Việc Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ được xem như hành động khiêu khích mới nhất sau vụ tấn công tàu chở dầu trên vịnh Oman và quấy rối lực lượng quân sự của Mỹ tại Iraq. Để phản ứng lại các mối đe dọa ngày càng gia tăng này, ông Trump đáng lẽ phải ra quyết định trả đũa.
Nhưng bất ngờ, Tổng thống Trump đảo ngược quyết định bằng việc dừng các cuộc tấn công. Nhiều bằng chứng và báo cáo đều cho thấy hành động tấn công đã sẵn sàng, giới chính trị gia và giới truyền thông cũng nhận được cảnh báo về một động thái chính thức của Mỹ hôm tối 20/6. Dù vậy, không có cuộc tấn công quân sự nào diễn ra sau đó.
Những động thái trái ngược đang khiến ông Trump bị cáo buộc làm hỗn loạn chính sách, đẩy Mỹ đến bờ vực chiến tranh. Trước đó, Joe Biden, một ứng cử viên tham gia tranh cử chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2020 đã cáo buộc: “Bằng cách xa rời đàm phán, ông Trump đang thúc đẩy xung đột quân sự xảy ra”.
Có vẻ như quyết định thực tế của ông Trump phức tạp hơn thế. Vị Tổng thống Mỹ đã tận dụng triệt để quân bài ngoại giao với các biện pháp trừng phạt, trong khi vẫn cảnh giác với những động thái quân sự không thể đoán trước.
Chính quyền Trump từng nhiều lần khẳng định thỏa thuận hạt nhân với Iran năm 2015 là một sai lầm tồi tệ và Mỹ hứng thú với một thỏa thuận mới hơn là xung đột quân sự. Tháng 5/2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra một dự thảo thỏa thuận mới gồm 12 điều kiện liên quan đến các mục tiêu chính sách quan trọng. Bên cạnh việc ngăn chặn Tehran chế tạo vũ khí hạt nhân, chính quyền Trump còn muốn Iran ngừng can thiệp vào vấn đề của Iraq như chấm dứt các hoạt động hỗ trợ nhóm khủng bố, ngăn chặn Lực lượng vệ binh Cách mạng Hồi giáo tiến hành hoạt động quân sự trong khu vực, dừng các mối đe dọa tên lửa nhằm vào Arab Saudi, UAE và Israel. Không chỉ cộng đồng quốc tế, mà ngay cả Ngoại trưởng Anh Boris Johnson khi đó cũng nhận định một thỏa thuận mới với Iran là rất khó xảy ra.
Đến tháng 5/2018, qua hàng loạt lệnh trừng phạt kinh tế như làm giảm xuất khẩu dầu mỏ của Iran, Mỹ đã hoàn thành một số mục tiêu chính sách kể trên. Mỹ còn cáo buộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là khủng bố, nhưng không có hành động quân sự nào được khởi động.
Những hứa hẹn của ông Trump hồi tháng 12/2018 về việc sẽ rút quân khỏi Syria từng gây nên một làn sóng hoang mang cho những người tin rằng Mỹ là chìa khóa ngăn chặn Iran giành ảnh hưởng lớn hơn ở khu vực này. Vị Tổng thống Mỹ sau đó bất ngờ đảo ngược quyết định “rút chân” khỏi Syria, như một sức ép tiếp theo hướng đến Iran.
Những biện pháp trừng phạt ngày một tăng từ Mỹ khiến chính quyền Trump phải đối diện với nguy cơ liệu Iran và các đồng minh có nỗ lực tấn công Mỹ để đáp trả? Iran đã tăng mối đe dọa Châu Âu bằng cách tăng cường sản xuất Uranium. Nước này còn có cố gắng thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ từng cảnh báo Iran, bất kỳ cuộc tấn công nào cũng sẽ phải đối mặt với những hành động đáp trả nhanh chóng và quyết đoán từ quân đội nước này. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo trong chuyến thăm Iraq hồi tháng 5/2019 cũng nhấn mạnh lại lời cảnh báo về Iran. Ông Pompeo cảnh báo Tehran sẽ thiệt hại lớn nếu cố gắng chống lại Mỹ. Trước lời cảnh báo từ Mỹ, những gì Iran làm là thử phản ứng của Mỹ bằng hàng loạt động thái: chuyển hỏa tiễn đến Iraq, khiêu khích tấn công Arab Saudi và mới đây nhất là cáo buộc tấn công tàu chở dầu trên vịnh Oman.
Binh sĩ Mỹ kiểm tra một chiếc RQ-4N trước giờ xuất phát. Ảnh: US Navy.
Nhưng tất cả những gì Tổng thống Mỹ làm là nhấn mạnh Mỹ sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán, và rằng Mỹ không tìm kiếm chiến tranh với Iran. Quyết định này khiến nhiều người tự hỏi, phải chăng ông Trump đang “nhắm mắt cho qua”?
" Từng được ủng hộ vì đã “vạch ra ranh giới đỏ” ở Syria chống lại việc sử dụng vũ khí hóa học, trái ngược với chính quyền Obama, nhưng ông Trump giờ đây bị cho là ngày càng giống với người tiền nhiệm.
Trong những tháng vừa qua, vị Tổng thống Mỹ dường như “rụt rè” trong quan điểm với Iran. Các cố vấn của ông ngày càng kiệm lời. Như sự kiện mới đây, ông tuyên bố Mỹ đã chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự. Khi máy bay không người lái của Mỹ bị bắn hạ, và Iran tuyên bố họ có thể hạ thêm những máy bay khác trên không phận Iran, Washington đã phải lên tiếng. Trump đã đồng ý một kế hoạch đáp trả quân sự cho đến khi thay đổi vào phút chót.
Trump giải thích: Tehran đã hạ một máy bay không người lái, còn hành động quân sự của Mỹ có thể khiến 150 dân thường thiệt mạng. Bởi vậy, 10 phút trước khi cuộc tấn công diễn ra, nó đã bị Trump dập tắt. Vị Tổng thống vẫn nhấn mạnh một thông điệp, rằng Iran có thể bị xóa sổ nếu Mỹ muốn, nhưng Mỹ có những cách khác để gây áp lực với Iran, bao gồm các biện pháp trừng phạt.
Nhưng Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện James Risch đã vạch trần, rằng Tổng thống không muốn một cuộc chiến nào khác. “Trump cố gắng đưa Mỹ thoát khỏi “vũng sình” Syria và Afghanistan, Trump phản đối cuộc chiến tranh không hồi kết với những lực lượng Hồi giáo. Nhưng đáng lẽ ra, Trump nên biết ông ta đã ở New York vào ngày 9/11/2001 và Mỹ đã chiến đấu ở Afghanistan lâu đến nỗi một người sinh ra trong ngày định mệnh ấy giờ đây đã gần đủ tuổi phục vụ trong quân đội.”
Vị Tổng thống Mỹ giờ đây phải đối mặt với hàng loạt chỉ trích từ cánh tả và cánh hữu, khi mà hầu hết các lực lượng an ninh quốc gia đều ủng hộ hành động đáp trả quân sự. Nhiều người cho rằng Trump đang bị ảnh hưởng bởi phe cánh ủng hộ Israel, nhưng đó là sự hiểu sai về chính quyền Trump cũng như học thuyết Trump theo đuổi.Thực chất, ông Trump cần nhiều hơn những bằng chứng chứng minh Iran thực sự muốn kích động chiến tranh qua việc bắn hạ máy bay không người lái. Một số nguồn tin của Tổng thống đã cho hay, nhiều lãnh đạo Iran đang bày tỏ sự phẫn nộ với vị chỉ huy ra lệnh cho hành động khiêu khích này.
Do đó, ngừng các cuộc tấn công nhắm vào Iran có thể coi là quyết định quan trọng, mở ra một cuộc góc nhìn khác về chính sách của Trump. Nếu tấn công quân sự diễn ra vào hôm 20/6, thế giới hôm nay có thể đã trở thành một “thế giới khác”. Nhưng sự do dự vào đảo ngược quyết định của Trump, người từng bị coi là kẻ “kích động chiến tranh” đã khiến dư luận có những cái nhìn mới mẻ về vị Tổng thống: một chiến lược thận trọng hơn, khôn khéo hơn ngay trước thềm vận động tranh cử nhiệm kỳ mới.
Thêm một lý do khác cho sự thận trọng của Trump: Mỹ, Nga và Israel sẽ họp trong tuần tới, Mỹ đang thúc đẩy Hội nghị Thượng đỉnh Bahrain diễn ra vào 25/6 tới đây. Bất kỳ hành động quân sự nào cũng có khả năng đe dọa sự đổ vỡ của hội nghị và đưa quân đội Mỹ ở Syria, Iraq vào tình thế khó khăn.
Iran cũng phải cân nhắc lại về những hành động tiếp theo, khi mà quyết định trả đũa mới đây của Nhà Trắng chỉ một chút nữa thôi sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Tehran đã ý thức được điều này khi không gây ra thương vong nào với lực lượng quân sự Mỹ trong mọi hành động thăm dò. Rõ ràng, Tổng thống Trump đã phải trải qua giờ phút cân não khi hủy lệnh khai hỏa, nhưng Iran không thể chắc chắn có bất kỳ nhượng bộ nào ở những lần xung đột tiếp theo.
Theo Jerusalem Post