Theo thông tin từ Bộ Công an, trong thời gian qua, Lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường đã chủ động các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhập lậu qua biên giới gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người tiêu dùng.
Việc ngăn chặn đối tượng thực hiện hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm được cơ quan công an tại các địa phương tích cực triển khai và đã đạt được kết quả khả quan khi triệt phá nhiều đường dây tội phạm. Hồi giữa tháng 6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã ra khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Trung Vương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sữa Hà Lan về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”.
Đây là động thái mới của cơ quan điều tra trong quá trình mở rộng điều tra vụ án hình sự về “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” xảy ra tại Công ty Cổ phần sữa Hà Lan (địa chỉ tại 335 Trần Cung, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và các chi nhánh, kho hàng trực thuộc. Vụ án do Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ vào cuối năm 2022
Theo nhận định của cơ quan điều tra, Nguyễn Trung Vương là đối tượng sành sỏi, có trình độ Đại học dược và đã được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm. Trong quá trình thực hiện hành vi, Nguyễn Trung Vương nhận thức rõ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm kém chất lượng, chỉ tiêu chất lượng đạt dưới 70% so với mức công bố và ghi nhãn; sản phẩm không có tính năng, tác dụng, công dụng như hồ sơ công bố được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và vi phạm pháp luật. Tuy nhiên vì lợi nhuận nên Nguyễn Trung Vương vẫn chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi sản xuất sữa giả với số lượng rất lớn.
Quá trình điều tra xác định, đối tượng Nguyễn Trung Vương đã chỉ đạo trực tiếp nhân viên trong mọi khâu sản xuất và lưu thông sản phẩm. Việc điều hành công việc sản xuất chủ yếu được thực hiện từ xa thông qua mạng máy tính, Zalo theo nhóm giữa Tổng giám đốc và các nhân viên.
Lực lượng chức năng đã kiểm tra, thu 67 mẫu sản phẩm thành phẩm, tương đương 33 loại sản phẩm của 08 Công ty có sản phẩm được sản xuất tại Nhà máy Holland Milk gửi giám định 66/67 lô sản phẩm có chỉ tiêu chất lượng chủ yếu đạt dưới 70%, với số lượng hàng hóa là: 29.400 lon/hộp, giá trị theo hóa đơn xuất bán của các sản phẩm này là hơn 4,1 tỷ đồng.
Trước đó, liên quan đến vụ án, qua kiểm tra, xác minh lực lượng chức năng phát hiện Đỗ Minh Thu, Kế toán trưởng Công ty Cổ phần sữa Hà Lan đã tự ý cắt ghép 2 Phiếu kết quả kiểm nghiệm, rồi đem xác nhận sao y bản chính tại UBND xã Đồng Lạc để được cấp giấy tiếp nhận công bố sản phẩm, được phép lưu thông sản phẩm ra thị trường.
Hành vi này, Cơ quan Công an đã tách thành vụ án hình sự, tiến hành điều tra, kết luận chuyển Viện KSND TP Chí Linh truy tố bị can Đỗ Minh Thu trước pháp luật về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Ngày 16/4/2024, Tòa án Nhân dân thành phố Chí Linh đã xét xử vụ án trên, đối tượng Thu phải chịu bản án 62 tháng tù giam.
Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường đã chỉ ra những chiêu thức thường gặp của các đối tượng hoạt động sản xuất hàng giả là thực phẩm để người tiêu dùng có thể nhận biết. Cụ thể, sản phẩm được làm giả về nhãn hiệu, chất lượng, công dụng, giá trị sử dụng, nhất là ở các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm cho người già, trẻ nhỏ… Loại vi phạm này diễn biến khó kiểm soát hơn khi tội phạm kết hợp những phương thức thủ đoạn truyền thống với công nghệ và không gian mạng để kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Cảnh sát môi trường đã phát hiện, khởi tố 17 vụ, chuyển khởi tố 2 vụ, tổng số 27 bị can. Trong công tác xử lý hành chính, các đơn vị, địa phương đã phát hiện, đấu tranh, xử lý 5.968 vụ (tăng 36,7% so với cùng kỳ năm 2023), với 5.988 đối tượng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, khởi tố 19 vụ, 27 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 5.586 vụ
Cơ quan chức năng khuyến cáo, những thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi, đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác, phản ánh ngay đến các cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu hàng giả, hàng hóa không đạt tiêu chuẩn chất lượng ghi trên nhãn mác, để có biện pháp xác minh, xử lý kịp thời.