Bầu Đức muốn bán khách sạn lớn nhất Tây Nguyên để trả nợ

Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai sẽ bán khách sạn 4 sao tại số 1 Phù Đổng, thành phố Pleiku, Gia Lai để trả nợ lô trái phiếu tại BIDV phát hành năm 2016…

Bầu Đức muốn bán khách sạn lớn nhất Tây Nguyên để trả nợ
Bầu Đức muốn bán khách sạn lớn nhất Tây Nguyên để trả nợ

Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) vừa công bố thông tin chậm trả lãi lô trái phiếu HAGLBOND16.26. Ngày thanh toán lãi định kỳ theo kế hoạch là 30/9/2023.

Trong đó, tổng số tiền lãi phải thanh toán là 122,5 tỷ đồng. Số tiền lãi chậm thanh toán luỹ kế đến ngày 30/9 là hơn 2.870 tỷ đồng và số tiền gốc chậm thanh toán là 1.157 tỷ đồng.

Đến ngày 29/9, HAGL đã thanh toán nợ gốc 380 tỷ đồng, thời gian dự kiến thanh toán phần còn lại là vào quý 4/2023. Công ty cho biết, nguyên nhân chậm thanh toán là do chậm nguồn tiền dự kiến thu nợ từ Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế (Hoàng Anh Gia Lai Agrico, mã chứng khoán: HNG), nay đã bán cho Thaco.

Đồng thời, để có tiền trả nợ, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa thông qua nghị quyết thanh lý tài sản không sinh lợi. Cụ thể, doanh nghiệp của Bầu Đức muốn bán tài sản gắn liền với đất là công trình khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại số 1 Phù Đổng, thành phố Pleiku, Gia Lai.

Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai hoạt động từ năm 2005 và là khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên với 117 phòng ngủ. Thông tin từ HAG cho biết, toàn bộ số tiền thu về từ chuyển nhượng khách sạn, Hoàng Anh Gia Lai sẽ được ưu tiên thanh toán cho lô trái phiếu tại BIDV phát hành vào năm 2016.

Tính đến cuối ngày 30/6/2023, vốn chủ sở hữu của Hoàng Anh Gia Lai đạt 5.388 tỷ đồng và ghi nhận lỗ luỹ kế 2.947 tỷ đồng.

Theo đó, HAGL ghi nhận doanh thu thuần 1.450 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ đạt tăng 36,8% đạt 445 tỷ đồng, doanh thu bán heo tăng 71,3% lên mức 444 tỷ đồng, ngược lại doanh thu trái cây giảm 13% còn 561 tỷ đồng.

Trong quý 2/2023, Hoàng Anh Gia Lai cũng ghi nhận giá vốn tăng 20,2% đạt 1.264 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp giảm từ 14,3% xuống còn 12,8%.

Về hoạt động tài chính, doanh thu tài chính của HAGL đạt 107,2 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023. Ngược lại, chi phí tài chính trong quý 2/2023 lại ghi nhận giảm 58,5% còn 362,9 tỷ đồng do công ty đã giảm trích lập dự phòng đầu tư dài hạn từ 518 tỷ đồng xuống chỉ còn 31 tỷ đồng, tương đương giảm tới 94%.

1_NGXO.jpeg
Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai ở Pleiku

Kết quả, trong quý 2/2023, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận lãi sau thuế 101,6 tỷ đồng, giảm 61,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Luỹ kế nửa năm, HAGL ghi nhận doanh thu đạt 3.147 tỷ đồng, tăng 54,5% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các chi phí, lãi sau thuế của HAGL đạt 404,5 tỷ đồng, giảm 23,6% so với 6 tháng đầu năm 2022.

Năm 2023, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.111 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, Hoàng Anh Gia Lai đã hoàn thành 61,5% kế hoạch đề ra.

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của HAGL là 21.342 tỷ đồng, tăng 7,7% so với đầu năm. Trong đó, khoản phải thu từ hợp đồng hợp tác đầu tư tăng gấp 3,4 lần so với số đầu năm, đạt 1.870 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí phát triển vườn cây ăn quả, nhà xưởng và văn phòng nông trường tăng khiến chi phí xây dựng cơ bản dở dang của HAGL cũng tăng 18% so với đầu kỳ lên mức 5.458 tỷ đồng.

Xét về cơ cấu vốn, đến hết quý 2/2023, tổng nợ phải trả của HAGL là 15.954 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Trong đó, nợ ngắn hạn là hơn 10.434 tỷ và dài hạn là 5.520 tỷ.

Có thể bạn quan tâm