Số liệu được công bố tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 vừa diễn ra cho thấy, du lịch Việt Nam là một trong ba nước có mức tăng trưởng cao nhất trong năm 2022. Trong đó, động lực chính đến từ du lịch nội địa.
Đồng thời, chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chưa đạt được như kỳ vọng, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục.
Dùng du lịch nội địa làm "bệ đỡ"
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành du lịch của Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để vượt qua khó khăn và bước đầu đã được được những kết quả tích cực nhất định.
Cụ thể, khép lại năm 2022 đã hoàn thành được chỉ tiêu về khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt, vượt chỉ tiêu phục vụ 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm. Điều này tiếp tục khẳng định du lịch nội địa đã làm bệ đỡ cho du lịch quốc tế, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, góp phần vào tăng trưởng của đất nước. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3,6 triệu lượt, bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm.
Thậm chí, trong 2 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 1,8 triệu lượt, bằng 50% so với lượng khách cả năm 2022 và khách nội địa đạt 20 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 85,6 nghìn tỷ đồng.
Để có được những kết quả trên, nhiều hoạt động được lồng ghép triển khai, xúc tiến quảng bá du lịch gắn với các sự kiện quan trọng, quy mô khu vực và quốc tế.
Gần đây nhất là Diễn đàn Du lịch ASEAN và Hội chợ Travex tại Indonesia, Hội chợ ITB Berlin 2023 tại Đức, với 700 biên bản ghi nhớ và cuộc đàm phán giữa những cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, các công ty lữ hành với bạn bè quốc tế để cam kết và đưa khách quốc tế vào Việt Nam.
Một loạt hoạt động liên kết, quảng bá du lịch cũng được nhiều địa phương tổ chức như Hà Nội tổ chức Diễn đàn du lịch MICE, TP.HCM tổ chức Lễ hội Âm nhạc quốc tế, Lễ hội Áo dài với chủ đề "Tôi yêu áo dài Việt Nam", Đà Nẵng triển khai chương trình kích cầu du lịch với thông điệp "Tận hưởng Đà Nẵng", Hội nghị xúc tiến du lịch Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh năm 2023…
Cùng với đó, các hãng hàng không đã mở thêm nhiều đường bay quốc tế mới kết nối với các thị trường nguồn của du lịch Việt Nam như Ấn Độ, Frankfurt (Đức), London (Anh), San Francisco (Mỹ)…
Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã làm việc với Bộ Công an để kết nối dữ liệu trên cơ sở đề án 06; chia sẻ dữ liệu để phát triển ngành du lịch trên nền tảng dữ liệu dân cư, căn cước công dân và định danh điện tử để thống kê chính xác về khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa, khách lưu trú, khách thăm quan điểm.
Vẫn còn 5 tồn tại
Về các hạn chế, tồn tại của ngành, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết hiện nay ngành du lịch Việt Nam đang gặp phải 5 khó khăn chính.
Thứ nhất, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng mặc dù ngành du lịch đã rất nỗ lực chuẩn bị cho việc mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế.
Bởi vì, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào thị trường truyền thống, trong khi đó các thị trường này chưa mở cửa do tác động của dịch Covid-19. Đồng thời, việc kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiền năng chưa chủ động, còn chậm.
Ngoài ra, các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch Việt Nam ra quốc tế chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên, liên tục.
Thứ hai, chính sách visa đã có nhiều đổi mới, tiến bộ song so với các quốc gia khác thì vẫn còn khiêm tốn.
Thứ ba, về sản phẩm du lịch chưa bắt kịp với xu thế hiện nay của thế giới, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên nhất là tài nguyên văn hoá.
“Việc phát triển các loại hình sản phẩm du lịch có lợi thế ở Việt Nam chưa được quan tâm, chỉ mới tiếp cận theo cái du lịch có mà chưa tiếp cận theo các du khách cần, vì vậy ít nhiều ảnh hưởng đến thu hút khách”, ông Hùng nhấn mạnh.
Thứ tư, nguồn nhân lực làm du lịch thiếu do trong thời gian dịch bệnh đã chuyển ngành, đặc biệt thiếu hụt lao động có chuyên môn và kinh nghiệm.
Thứ năm, hiệu quả liên kết giữa các vùng, các địa phương, các ngành còn thấp, nhiều hoạt động liên kết còn hình thức. Sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn đối với một số thị trường khách du lịch trong bối cảnh mới.
Để đưa du lịch Việt Nam tiếp tục phát triển, ngành du lịch đặt ra các mục tiêu năm 2023 gồm khách du lịch quốc tế đạt 8 triệu lượt, khách du lịch nội địa 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng.
Giải pháp phát triển du lịch Việt Nam
Từ những nguyên nhân trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, về giải pháp ngành du lịch cần chú trọng thực hiện các nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ, các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương về phát triển vùng.
Trong đó, tập trung định vị vị thế và thế mạnh du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên lịch sử văn hoá phù hợp với thị hiếu và đặc điểm của các thị trường khách du lịch. Ngành cần, xác định cụ thể phạm vi và quy mô, thực hiện chiến lược phát triển phù hợp với các thị trường tiềm năng.
Cơ cấu lại thị trường du lịch, nhất là tính toán lại thị trường khách, phân tích và dự báo trên cơ sở kế thừa thị trường khách truyền thống, tiếp cận theo hướng thị trường khách tiềm năng. Ngoài ra, cần chú ý tới thị trường Bắc Âu, Mỹ và một số thị trường khác ngoài các thị trường truyền thống.
Đối với các địa phương phải chú trọng phát huy kinh nghiệm, lợi thế so sánh về các di sản văn hóa, thiên nhiên; hệ thống lễ hội, làng nghề; truyền thống lịch sử và giá trị sinh thái-nhân văn đặc trưng của từng vùng, từng địa phương... để mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo.
Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã kết luận tại Hội nghị thúc đẩy, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá xúc tiến định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với đa dạng hóa thị trường… Đồng thời, huy động sự tham gia của các cơ quan đại diện ngoại giao tại các nước.
Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong du lịch, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương xây dựng, triển khai đề án Phát triển du lịch gắn với mục tiêu phát triển kinh tế của Đề án 06.
Mặt khác, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng khẩn trương thực hiện mô hình chuyển đổi số gắn với kinh tế số; phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
“Đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo đến ngành du lịch của mình để 63 tỉnh, thành đều có 63 sản phẩm du lịch mang tính bản sắc, chú trọng nhiều hơn đến công tác kết nối, liên kết để bảo đảm được các chỉ tiêu mà nhiều địa phương đã đề ra. Tăng cường công tác quản lý nhà nước để giúp nhân dân nâng cao nhận thức làm du lịch, phấn đấu đạt được mục tiêu mỗi người dân trở thành đại sứ du lịch thân thiện”, Bộ trường đề xuất