Bia Hà Nội hụt hơi ngay tại thị trường truyền thống

Bia Hà Nội đang dần mất thị phần tại thị trường truyền thống miền Bắc vào tay Sabeco và Heineken trong khi sản lượng tiêu thụ toàn ngành bia vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt qua hàng năm.
Bia Hà Nội hụt hơi ngay tại thị trường truyền thống

Sản lượng tiêu thụ của bia Hà Nội giảm trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ toàn ngành tăng. Theo thống kê, tổng sản lượng tiêu thụ trong năm 2017 đạt 481,9 triệu lít (giảm 8,5%), trong đó sản lượng tiêu thụ bia đạt 479 triệu lít (giảm 9%) do sản lượng tiêu thụ của sản phẩm bia chai đỏ 450ml giảm mạnh (giảm 24%), dẫn đến đóng góp cho tổng doanh thu giảm của sản phẩm này giảm từ 47,7% trong năm 2016 xuống còn 39,6%. Trong khi đó, năm 2017 tổng sản lượng tiêu thụ bia toàn ngành đạt hơn 4 tỷ lít (tăng 6%).

Năm 2017, ngành bia cạnh tranh ngày càng gay gắt và áp lực chi phí gia tăng. Doanh thu thuần của bia Hà Nội là 9.802 tỷ đồng (giảm 1,9%), trong đó doanh thu thuần mảng đồ uống đạt 7.867 tỷ đồng (giảm 3,2%); lợi nhuận gộp đạt 2.568 tỷ đồng (giảm 7,9%) do tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ 27,8% năm 2016 xuống còn 26,2%; lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận ròng đạt lần lượt 839 tỷ đồng (giảm 29%) và 658 tỷ đồng (giảm 18%).

Sự sụt giảm doanh số phần nào cho thấy bia Hà Nội đang có dấu hiệu mất thị phần ngay cả trong thị trường truyền thống phía Bắc. Theo số liệu từ các công ty nghiên cứu thị trường, bia Hà Nội hiện là nhà sản xuất bia lớn thứ 3 của Việt Nam với thị phần hiện tại 16% (giảm hơn 2% so với giai đoạn 2015-2016).

Mặc dù nằm trong Top 3 nhưng thị phần của bia Hà Nội đã bị các đối thủ cùng ngành bỏ xa, như TCTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã CK SAB) chiếm 40% và Heineken chiếm 25%. Đặc biệt, thị trường của bia Hà Nội chỉ tập trung tại các tỉnh phía Bắc, trong khi sản phẩm của các đối thủ đã có mặt trên toàn quốc. Chẳng hạn, ngay tại thị trường miền Bắc, Sabeco đã chiếm 10% thị phần.

Một trong những bước đi sai của bia Hà Nội là tập trung mở rộng phân khúc bia hơi có sản lượng cao nhưng tỷ suất lợi nhuận thấp. Điều này làm hạn chế tăng trưởng khi thu nhập của người tiêu dùng tăng đã chuyển sang sử dụng sản phẩm cao cấp hơn. Ngoài ra, người tiêu dùng còn có xu hướng chuyển từ chai cỡ lớn sang cỡ nhỏ và chú ý hơn đến bao bì.

Các chiến dịch marketing mạnh mẽ và các thương hiệu nước ngoài nhập khẩu đã tác động đáng kể đến doanh thu, khi bia Hà Nội không ra mắt thêm bất kỳ dòng sản phẩm mới, dù chi phí marketing liên tục tăng trong vài năm qua, lên đến 568 tỷ đồng trong năm 2017, tăng gần 3,5 lần so với cách đây 3 năm chỉ 169 tỷ đồng. Chi phí marketing tăng nhưng tăng trưởng doanh thu lại có xu hướng ngược lại. Cụ thể, năm 2014 cứ 1 đồng chi ra cho quảng cáo giúp bia Hà Nội thu về 42 đồng doanh thu, nhưng đến năm 2017 con số này giảm còn 17 đồng.

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...