Biến động trong ngành ngân hàng tiếp tục đè nặng lên tâm lý Phố Wall

Cổ phiếu ngân hàng trượt dốc đã kéo Dow Jones và S&P 500 đi xuống vào ngày 13/3 khi các nhà đầu tư lo lắng về sự lây lan từ sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley…
Phố Wall

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 90,5 điểm, tương đương 0,28%, còn 31.819,14 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 5,83 điểm, tương đương 0,15%, còn 3.855,76 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 49,96 điểm, hoặc 0,45%, lên 11.188,84 điểm. 

Mảng tiện ích công cộng là một trong những lĩnh vực hoạt động tốt nhất trong số 11 lĩnh vực chính của S&P, tăng 1,54%. Bên cạnh đó, các mảng nhạy cảm với lãi suất như bất động sản và công nghệ cũng ở vùng tích cực. 

Ngược lại, chỉ số S&P Banking Index giảm 7%, mức giảm phần trăm trong một ngày lớn nhất kể từ ngày 11/6/2020. Cổ phiếu của các ngân hàng lớn của Mỹ, bao gồm JPMorgan Chase, Citigroup và Wells Fargo đều tiếp tục đà giảm từ cuối tuần trước.

Cổ phiếu của First Republic Bank giảm 61,83% do tin tức về nguồn tài chính mới không làm yên lòng các nhà đầu tư, trong khi Western Alliance Bancorp và PacWest Bancorp lần lượt mất 47,06% và 21,05%. Giao dịch ở các cổ phiếu này đã bị tạm dừng nhiều lần.

Nhưng các nhà đầu tư đã tìm tới các lĩnh vực khác của thị trường, chẳng hạn như cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu dược phẩm bao gồm Johnson & Johnson, Eli Lilly và Pfizer. 

S&P 500 đã công bố 1 mức cao mới trong 52 tuần và 48 mức thấp mới; Nasdaq Composite ghi nhận 29 mức cao mới và 526 mức thấp mới.

Chỉ số biến động CBOE, được gọi là thước đo mức độ sợ hãi của Phố Wall, đã tăng 1,72 điểm lên 26,52 sau khi chạm mức 30,81 trước đó, cao nhất kể từ cuối tháng 10/2022. 

Kể từ phiên giao dịch cuối tuần trước, chứng khoán Mỹ đã phải chịu lực cản lớn từ các cổ phiếu ngân hàng khi SVB đột ngột bị đóng cửa vào hôm 10/3 sau quá trình tăng vốn không thành công. Điều này đã khiến các nhà đầu tư lo lắng về rủi ro đối với các ngân hàng khác khi Fed liên tục tăng lãi suất trong suốt một năm qua. Nhiều người suy đoán rằng ngân hàng trung ương giờ đây có thể sẽ bớt “diều hâu” hơn trong các chính sách tiền tệ của mình.

Trong một tuyên bố chung của Fed, Bộ Tài chính và Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) cho biết, tất cả những người gửi tiền tại Ngân hàng Silicon Valley (SVB) sẽ có quyền truy cập vào tiền gửi của họ bắt đầu từ ngày 13/3. Fed cũng đang tạo ra một Chương trình cấp vốn kỳ hạn ngân hàng mới nhằm bảo vệ các khoản tiền gửi của người dân. Cơ sở này sẽ cung cấp các khoản vay lên đến một năm cho các ngân hàng, hiệp hội tiết kiệm, hiệp hội tín dụng và các tổ chức tài chính khác. 

Trong khi đó, các nhà giao dịch đang đặt cược rằng Fed sẽ tăng lãi suất vay tiêu chuẩn thêm 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp ngày 21 và 22/3. Nhưng thị trường cũng dự đoán ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm 0,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang xuống phạm vi 4% đến 4,25%, vào cuối năm nay. 

Goldman Sachs thậm chí còn cho rằng họ không còn kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp vào tuần tới.

Đối với một số nhà đầu tư, quyết định của Fed vào tuần tới cũng sẽ xoay quanh dữ liệu lạm phát trong tuần này. Chỉ số giá tiêu dùng của tháng Hai, điểm dữ liệu sẽ được công bố trước khi thị trường mở cửa vào sáng 14/3 (giờ quốc tế), có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về con đường lạm phát. 

Peter Cardillo, nhà kinh tế trưởng thị trường tại Spartan Capital Securities, cho biết: “Thị trường hiện đang kỳ vọng rằng Fed có thể sẽ không tăng lãi suất trong tháng này và bắt đầu bước vào giai đoạn tạm dừng”.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Giá vàng thế giới lấy lại mốc 2.500 USD

Giá vàng thế giới lấy lại mốc 2.500 USD

Vàng thế giới có xu hướng tăng nhẹ khi giới đầu tư chờ đón một quyết định chính sách ôn hoà của Fed. Trong nước, giá vàng miếng SJC “bất động” ở phiên thứ 5 liên tiếp…

Vàng miếng bất ngờ giảm nửa triệu đồng/lượng

Vàng miếng bất ngờ giảm nửa triệu đồng/lượng

Sau nhiều phiên "bất động", giá vàng miếng trong nước đột ngột điều chỉnh giảm mạnh. Trên thị trường quốc tế, giá đảo chiều tăng nhẹ sau khi đồng USD suy yếu do báo cáo việc làm không như mong đợi....