Biến thể Covid-19 mới: Bác sĩ cảnh báo dấu hiệu ban đầu dễ bị bỏ qua

Người mắc XEC thường xuất hiện các biểu hiện như ho kéo dài, sốt hoặc ớn lạnh, kèm theo cảm giác mệt mỏi, kiệt sức...

Biến thể XEC có tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều so với các biến thể phụ Omicron khác. Ảnh: Shutterstock

Biến thể Covid-19 mới, XEC là dòng phụ mới của Omicron, đang trở thành tâm điểm lo ngại của giới y tế khi lây lan nhanh chóng ở nhiều quốc gia.

Theo Bộ Y tế Công cộng Thái Lan, biến thể Covid-19 mới XEC đang lan truyền với tốc độ nhanh gấp bảy lần so với cúm mùa thông thường, khiến số ca nhập viện và tử vong tại quốc gia này gia tăng trong thời gian gần đây.

Tính từ ngày 1/1 đến giữa tháng 5, Thái Lan ghi nhận 108.891 ca mắc biến thể XEC, trong đó có 27 ca tử vong, phần lớn là người cao tuổi thuộc nhóm "608" – gồm người già, người mắc bệnh nền và phụ nữ mang thai. Trong tuần gần nhất, số bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 tăng 35,5% so với tuần trước, với hơn 43.000 ca cần điều trị nội trú.

Theo Bộ Y tế Singapore, ước tính số ca mắc Covid-19 trong tuần từ ngày 27/4 đến ngày 3/5 đã tăng lên 14.200 ca, so với 11.100 ca của tuần trước, số ca nhập viện trung bình hàng ngày tăng từ 102 lên 133, nhưng chỉ có 2 ca cần chăm sóc đặc biệt. Các bệnh viện hiện có khả năng xử lý được số ca bệnh gia tăng.

Theo cơ quan y tế Singapore, sự gia tăng các ca bệnh Covid-19 là do khả năng miễn dịch trong cộng đồng suy yếu và sự lây lan của các biến thể mới bao gồm LF.7 và NB.1.8, hậu duệ của biến thể JN.1 xuất hiện vào năm 2024.

Tại Hồng Kông (Trung Quốc), tỉ lệ ca mắc Covid-19 trong các bệnh nhân nhập viện được xét nghiệm tăng từ 6,21% lên 13,66% từ ngày 6 đến ngày 12/4. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc cũng báo cáo số ca tăng lên trong thời gian từ 31/3 đến 4/5.

Theo Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan, nguyên nhân của làn sóng mới này là XEC, một biến khác thể thuộc chủng Omicron.

Cả 2 biến thể JN.1 và XEC đều đã từng gây ra các làn sóng Covid-19 trên thế giới vào giữa và cuối năm 2024. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trước đó đã phân loại JN.1 là một biến chủng được quan tâm riêng biệt trong bệnh Covid-19, nhưng vẫn đánh giá nguy cơ sức khỏe cộng đồng toàn cầu bổ sung nó có thể gây ra là thấp.

WHO cũng phân loại XEC là biến thể cần theo dõi vào tháng 9/2024 để các cơ quan y tế có thể chú ý hơn và điều tra xem liệu nó có gây ra mối đe dọa bổ sung nào đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu hay không. Rủi ro sức khỏe cộng đồng bổ sung mà XEC gây ra được đánh giá là thấp.

Tuy nhiên, tốc độ lây truyền nhanh của các biến thể này có thể gây ra nguy cơ cao hơn cho những nhóm dân số dễ bị tổn thương. Mặc dù tỷ lệ tử vong tương đối thấp, các cơ quan y tế vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

XEC vẫn là biến thể Covid-19 mới hơn và không có triệu chứng mới đáng chú ý nào được báo cáo. Dấu hiệu liên quan XEC tương tự như các biến thể phụ Omicron trước đây. Các triệu chứng phổ biến nhất vẫn bao gồm sổ mũi nhẹ, nhức đầu, ho và đau họng, theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (NHS).

Trong đó,đau họng là một trong những biểu hiện dễ bị bỏ qua vì có thể tương tự bệnh cúm, viêm họng liên cầu khuẩn hoặc viêm amidan. Tuy nhiên, với XEC, tình trạng đau rát họng xuất hiện ở nhiều bệnh nhân ngay từ ngày đầu tiên nhiễm virus. Đau họng liên quan đến Covid-19 thường có xu hướng đột ngột và đi kèm rát họng, ho khan, mệt mỏi, sốt, mất vị giác.

Virus dễ lây lan nhất vào thời điểm bắt đầu mắc bệnh. Đối với Omicron và các biến thể của nó, như XEC, hầu hết sự lây truyền xảy ra trong 1-2 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng và trong vòng 2-3 ngày sau đó. Ngoài ra, những người không có bất kỳ triệu chứng nào cũng có thể lây lan virus cho người khác.

Các triệu chứng ban đầu có thể nhẹ ở một số người nhưng cũng chuyển nặng hơn khi bệnh tiến triển. Trong đó, tình trạng khó thở dường như xuất hiện thường xuyên hơn ở người lớn tuổi hoặc người có hệ miễn dịch suy yếu hay người không tiêm vaccine cập nhật.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, tại Việt Nam, từ đầu năm 2025 đến nay ghi nhận rải rác 148 trường hợp mắc Covid-19 tại 27 tỉnh, thành phố và không có ca tử vong.

Để chủ động ứng phó với tình hình bệnh dịch Covid-19, bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp như: Đeo khẩu trang nơi công cộng; Hạn chế tụ tập nơi đông người; Rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn; Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý; Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời…

Người dân đến và về từ các nước có số ca mắc Covid-19 cao cần chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe để phòng, chống Covid-19 cho bản thân, gia đình và người tiếp xúc gần.

Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới theo dõi chặt chẽ tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp, hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm