
Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp Cao Tiến Đức hiện là Phó chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam; Phó chủ tịch Hội chống động kinh Việt Nam; Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần và Tâm lý học, Học viện Quân y, nguyên trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân Y 103.
Thưa giáo sư, một người có biểu hiện như thế nào thì được coi là đang gặp vấn đề về sức khoẻ tâm thần?
Sức khỏe tâm thần bao gồm tình cảm, tâm lý và hạnh phúc xã hội của chúng ta. Nó ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ, cảm nhận và hành động. Nó cũng giúp xác định cách chúng ta ứng phó với căng thẳng, liên quan đến người khác và đưa ra lựa chọn. Sức khỏe tâm thần rất quan trọng ở mọi giai đoạn của cuộc sống, từ thời thơ ấu, thanh thiếu niên cho đến trưởng thành và tuổi già.
Trong suốt cuộc đời, nếu gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, suy nghĩ, tâm trạng và hành vi của con người có thể bị ảnh hưởng. Nhiều yếu tố góp phần vào các vấn đề sức khỏe tâm thần, bao gồm:
Các yếu tố sinh học, như gen hoặc các chất trung gian hóa học ở não. Các trải nghiệm sống như chấn thương hoặc lạm dụng. Tiền sử gia đình có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần luôn được quan tâm giúp đỡ và giải quyết và họ có thể trở nên tốt hơn, nhiều người hồi phục hoàn toàn.
Gần đây định nghĩa về sức khỏe tâm thần đã thay đổi. Trước đây khỏe mạnh về tâm thần được hiểu là người không bị chẩn đoán với bất cứ một bệnh lý tâm thần nào. Ngày nay, sức khỏe tâm thần được nhìn nhận một cách tích cực hơn: sức khoẻ tâm thần tốt không chỉ là không có rối loạn về tâm thần mà đó còn là trạng thái khoẻ mạnh về mặt tâm trí, sức khỏe tâm thần là thành công của chức năng tâm thần, dẫn đến các hành vi có ích, các mối quan hệ thành công với người khác và cung cấp khả năng thích ứng với sự thay đổi và đối phó với mọi hoàn cảnh. Sức khỏe tâm thần là khả năng tận hưởng cuộc sống: là cách sống với hiện tại và những gì mình có; khả năng học được những bài học từ quá khứ và lập kế hoạch cho tương lai mà không trăn trở, sống mãi với những kỉ niệm đau buồn hoặc sự thất bại. Khả năng phục hồi và chống chọi với các sự kiện đó mà không mất đi sự lạc quan cũng như niềm tin của mình. Có khả năng thiết lập sự cân bằng trước rất nhiều phương diện của cuộc sống như thể chất, tâm lý, tinh thần, xã hội và kinh tế. Có thể tự nhận biết năng lực và sở thích của cá nhân, nuôi dưỡng những năng lực của mình để đạt được sự phát triển tối đa. Dễ dàng thích nghi trong những tình huống mới, tự điều chỉnh mong đợi của mình về cuộc sống, về chính bản thân mình và về người khác để giải quyết vấn đề gặp phải và để đạt được sự thoải mái hơn.
Chúng ta có thể nhận biết sớm các dấu hiệu về vấn đề sức khỏe tâm thần không, thưa giáo sư?
Một số dấu hiệu cảnh báo sớm về vấn đề sức khỏe tâm thần là một hoặc nhiều cảm giác hoặc hành vi sau đây: ăn hoặc ngủ quá nhiều hoặc quá ít, tách mình ra khỏi mọi người và các hoạt động thông thường, có năng lượng thấp hoặc không có (mệt mỏi về tinh thần và thể chất), cảm thấy tê liệt hoặc không có vấn đề gì quan trọng.
Bên cạnh đó còn có các dấu hiệu như bị đau nhức không rõ nguyên nhân, cảm giác bất lực hoặc vô vọng; hút thuốc, uống rượu nhiều hơn bình thường hoặc sử dụng ma túy; cảm thấy bối rối khác thường, hay quên, khó chịu, tức giận, buồn bã, lo lắng hoặc sợ hãi; la hét hoặc tấn công người thân, gia đình và bạn bè.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể nhận biết khi một cá nhân đã trải qua sự thay đổi tâm trạng nghiêm trọng gây ra vấn đề trong các mối quan hệ; có những suy nghĩ và ký ức dai dẳng mà không thể thoát ra khỏi đầu, nghe tiếng nói trong đầu hoặc có niềm tin những điều không đúng sự thật (hoang tưởng). Nặng hơn nữa là có ý nghĩ làm hại bản thân hoặc người khác; không có khả năng thực hiện các công việc hàng ngày như chăm sóc con cái, làm việc hoặc học hành.
Bệnh lý tâm thần đề cập chung đến tất cả các rối loạn tâm thần có thể chẩn đoán, nó được đặc trưng bởi những thay đổi trong suy nghĩ, tâm trạng hoặc hành vi liên quan đến căng thẳng hoặc suy giảm chức năng. Một người phải chống chọi với vấn đề sức khỏe tâm thần của họ có thể trải qua căng thẳng, cô đơn, trầm cảm, lo lắng, các vấn đề về mối quan hệ, cái chết của người thân, suy nghĩ tự sát, đau buồn, nghiện ngập, tăng động giảm chú ý, tự hủy hoại bản thân, tự gây chấn thương, tự đốt mình, rối loạn tâm trạng khác nhau hoặc các bệnh lý tâm thần khác có mức độ khác nhau, cũng như các khó khăn khi học tập, công việc hoặc cuộc sống. Bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học, nhân viên xã hội, điều dưỡng hoặc bác sĩ nói chung có thể giúp kiểm soát bệnh tâm thần bằng các phương pháp điều trị, tư vấn hoặc dùng thuốc.
Năm 2015, một nghiên cứu của nhà tâm lý học Michael A. Freeman với sự tham gia của 242 doanh nhân được công bố. Kết quả cho thấy 49% doanh nhân tham gia khảo sát phải đối mặt với ít nhất một vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trong khi đó, một thống kê khác cho thấy, cứ 3 doanh nhân thì có một người trầm cảm, dẫn đến có trường hợp tự tử vì trầm cảm. Thưa giáo sư, liệu doanh nhân có phải là người dễ bị trầm cảm và mắc bệnh tâm thần hơn những người khác?
Doanh nhân là người tiến hành các hoạt động kinh doanh, giải quyết những vấn đề cho người khác nhằm tạo ra lợi nhuận, phát tiển doanh nghiệp bền vững và phụng sự xã hội. Họ phải đáp ứng những nhu cầu của cộng đồng xã hội… Doanh nhân là người quản lý, điều hành các doanh nghiệp. Trong khi đó hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt trong thế giới công nghiệp, do số lượng các công ty hiện có với ý tưởng kinh doanh tương tự xuất hiện dày đặc trên thị trường.
Các nữ doanh nhân dễ bị các bệnh lý tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn stress hơn so với doanh nhân nam
Tuy nhiên, nếu những ý tưởng đủ táo bạo và giải quyết được những vấn đề hiện tại của xã hội, cơ hội thành công vẫn rất cao. Trong nền kinh tế hiện đại, doanh nhân đóng một vai trò trung tâm trong việc phát triển kinh tế và xã hội. Họ không chỉ là những người tạo ra lợi nhuận mà còn là những người dẫn dắt sự thay đổi, tạo ra giá trị cho cộng đồng thông qua việc tạo công ăn việc làm, cung cấp hàng hóa và dịch vụ, đóng góp vào các hoạt động xã hội. Họ làm việc với áp lực rất lớn, muốn thực hiện những khát khao, đam mê của mình, họ phải chấp nhận những rủi ro rất lớn. Họ làm việc không có giờ giấc, thường xuyên gặp gỡ đối tác, sử dụng rượu, bia, cà phê, thuốc lá nhiều. Chính vì vậy, doanh nhân là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị trầm cảm và mắc bệnh lý tâm thần. Nhiều người có bệnh lý tâm thần tiềm ẩn, dễ bộc phát khi gặp các yếu tố căng thẳng.
Như Giáo sư chia sẻ thì ngoài niềm hạnh phúc chinh phục thành công những thử thách kinh doanh, thì áp lực doanh nhân phải đối mặt không hề nhỏ. Trong khi đó, doanh nhân nữ còn quán xuyến nhiều việc khác nữa như chăm sóc gia đình, con cái…. Điều này có khiến cho các nữ doanh nhân dễ mắc các vấn đề về sức khoẻ tâm thần hơn so với doanh nhân nam không, thưa giáo sư?
Đúng là ngoài niềm hạnh phúc chinh phục thành công những thử thách kinh doanh, thì áp lực doanh nhân phải đối mặt không hề nhỏ. Trong khi đó, doanh nhân nữ còn quán xuyến nhiều việc khác nữa như chăm sóc gia đình, con cái, yếu tố giới tính, sinh đẻ, thai nghén, chu kỳ kinh nguyệt… khiến cho các nữ doanh nhân dễ bị các bệnh lý tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn stress hơn so với doanh nhân nam.
Có một thực tế là phần đông chúng ta trong đó có các doanh nhân dù có chịu khó đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần nhưng ít người có ý thức khám sức khỏe tâm thần. Đây có phải là nguyên nhân khiến bệnh trầm cảm nói riêng và tâm thần nói chung được phát hiện muộn và chỉ phát hiện khi đã xảy ra hậu quả không, thưa giáo sư?
Chúng ta trong đó có các doanh nhân dù có chịu khó đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần nhưng trầm cảm nói riêng và các rối loạn tâm thần nói chung được phát hiện muộn và nhiều trường hợp chỉ phát hiện khi đã xảy ra hậu quả. Điều này là có lý do khách quan và chủ quan.

Về khách quan, do chúng ta thiếu bác sỹ chuyên khoa tâm thần nên việc thăm khám sức khỏe tâm thần định kỳ chưa được chú trọng. Trong các gói khám sức khỏe định kỳ cũng chưa quan tâm khám sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên nếu có, việc khám xét cũng gặp rất nhiều khó khăn, bác sỹ bằng quan sát, bằng các thao tác khám thông thường rất khó phát hiện triệu chứng tâm thần, rất dễ bỏ sót.
Về chủ quan, do chúng ta hoặc không nhận thức được những bất thường của bản thân, hoặc chủ quan, ngại ngùng, sợ hãi không dám nói hoặc cố tình che giấu. Vì vậy dù đi khám sức khỏe đều đặn hàng năm nhiều người bệnh vẫn bị bỏ qua, không phát hiện được cho đến khi bệnh nặng hoặc có hành vi nguy hiểm.
Một số thương vụ thất bại, có thể là do sức khỏe tâm thần không tốt nên đã sai lầm trong đàm phán hoặc sai lầm trong việc ra quyết định.
Người có ý thức mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần đều mang tâm lý rất ngại gặp bác sĩ, rất ngại thổ lộ mình là người bị rối loạn tâm thần. Đối với các doanh nhân thì họ càng giấu bệnh vì còn liên quan đến đối tác, công việc…. Cần làm gì để cải thiện được vấn đề này, thưa giáo sư?
Theo tôi để giải quyết được vấn đề này, mọi người cũng như các doanh nhân cần tìm hiểu về sức khỏe tâm thần cũng như vai trò của sức khỏe tâm thần trong đời sống con người, trong công việc. Cần học cách vượt qua chính mình, vượt qua những quan niệm sai lầm về sức khỏe tâm thần, vượt qua sự kỳ thị của cộng đồng.
Một số thương vụ thất bại, có thể là do sức khỏe tâm thần của doanh nhân không tốt nên dẫn đến sai lầm trong đàm phán hoặc trong việc ra quyết định
Có một câu chuyện về nhà toán học John Nash, người bị tâm thần phân liệt nhưng đã vượt qua bệnh tật để trở lại mạnh mẽ. Theo báo New York Times, tiến sĩ John Nash (87 tuổi) và vợ Alice (82 tuổi) thiệt mạng khi đi trên một chiếc taxi bị tai nạn ở thị trấn Monroe tại New Jersey. J. Nash được đánh giá là một trong những nhà toán học vĩ đại nhất của thế kỷ 20.
Lý thuyết trò chơi của tiến sĩ J. Nash, được gọi là Cân bằng Nash, là công cụ toán học đơn giản nhưng hùng mạnh để phân tích hàng loạt chiến thuật cạnh tranh trong cả toán học, kinh tế và khoa học xã hội như cạnh tranh giữa các tập đoàn hay quá trình ra quyết định của các cơ quan lập pháp. Năm 1959, khi vợ có bầu, tiến sĩ J. Nash rơi vào khủng hoảng với căn bệnh tâm thần phân liệt quái ác. Ông phải nhập viện nhiều lần, bị điều trị bằng liệu pháp sốc điện. Ông trốn đến châu Âu một thời gian, gửi thiệp với những thông điệp bí ẩn cho bạn bè và đồng nghiệp. Dù lý thuyết trò chơi ngày càng phát triển, tên tuổi của ông ngày càng lẫy lừng nhưng trên thực tế ông đã biến mất khỏi thế giới toán học. Bà Alicia thuyết phục ông đến nhà bà tịnh dưỡng vào năm 1970. Bà Alicia đã nuôi chồng và con trai mình với nghề lập trình viên. Họ cũng nhận được sự giúp đỡ tài chính của gia đình và bạn bè. Giải Nobel kinh tế cùng với bộ phim A beautiful mind đã giúp ông trở thành người nổi tiếng bên ngoài thế giới toán học và kinh tế học, đồng thời giúp gia đình ông khôi phục nền tảng tài chính vững vàng hơn. Sau này, tiến sĩ J. Nash tiếp tục làm việc, đi công tác, phát biểu tại các hội nghị khoa học và nỗ lực xây dựng một lý thuyết trò chơi mới.
Theo giáo sư, doanh nhân cần làm gì để cân bằng đời sống tinh thần và sức khoẻ tâm thần của bản thân luôn ổn định?
Theo tôi không chỉ doanh nhân mà mọi người làm bất cứ ngành nghề gì cũng cần rèn luyện cho mình có thể lực tốt, có đời sống lành mạnh. Rèn luyện ý chí, nghị lực mạnh mẽ, sẵn sàng đối diện mọi khó khăn, thử thách. Cân bằng giữa công việc với nghỉ ngơi giải trí, tham gia các trò chơi, đi du lịch…ăn, ngủ điều độ, hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá. Đặc biệt, tránh xa ma túy, cờ bạc, hạn chế chơi game và nói chung hạn chế chơi internet. Cần tránh các căng thẳng, các chấn thương tâm lý, luôn thương yêu, giúp đỡ những người gặp khó khăn…
Sức khỏe tâm thần tốt cho phép con người nhận ra tiềm năng đầy đủ của mình, đối phó với những căng thẳng của cuộc sống, làm việc năng suất, đóng góp ý nghĩa cho cộng đồng. Cuộc sống luôn chứa đựng những thử thách và khó khăn đòi hỏi chúng ta phải đối mặt. Chăm sóc sức khoẻ tâm thần nhằm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp cá nhân tận hưởng cuộc sống một cách tốt nhất trong hoàn cảnh của họ, ngay cả khi hoàn cảnh đó là rất khắc nghiệt khó khăn.
Xin cảm ơn Giáo sư!