Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) thông tin các bác sĩ vừa cứu bé 2 tuổi (trú tại TP.HCM) bỏng nặng từ miệng tới dạ dày vì uống nhầm chai nước thông cống.
Cụ thể, trước kỳ nghỉ lễ 30/4, bé T.K được ba mẹ đưa vào cấp cứu trong tình trạng sốt, bỏng toàn bộ khoang miệng, không thể ăn uống và có dấu hiệu nhiễm trùng với các chỉ số viêm tăng cao. Theo người nhà, 3 giờ trước khi nhập viện, bệnh nhi đã uống nhầm chai nước hóa chất thông cống dùng vệ sinh đường ống.
Các bác sĩ đã tiến hành truyền dịch, sử dụng thuốc bảo vệ và làm lành niêm mạc, thuốc giảm tiết và kháng sinh để kiểm soát nhiễm trùng và nội soi thực quản - dạ dày - tá tràng để đánh giá tổn thương. Kết quả cho thấy ngoài bỏng khoang miệng, toàn bộ thực quản cũng bị tổn thương ở mức bỏng độ 2.
Ngay sau đó, các bác sĩ đã đặt ống sonde dạ dày dưới hướng dẫn nội soi để nuôi ăn. Sau một tuần điều trị tích cực, bé đã có thể ăn uống trở lại và được xuất viện.
Ngoài trường hợp nêu trên, vừa qua, khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã nội soi lấy thành công dị vật xương cá kích thước lớn, cứu một bé trai thoát nguy kịch.
Trước đó, bé N.T.N. (5 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được ba cho ăn cơm với cá ba sa. Dù gia đình đã lọc xương cá nhưng vẫn còn sót lại mảnh xương vây, và bé đã nuốt phải. Sau khi phát hiện sự việc, gia đình đã đưa bé N. đến bệnh viện địa phương, sau đó chuyển lên tuyến trên.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, bé được y bác sĩ chỉ định chụp X-quang, CT scan, xác định dị vật kẹt ở thực quản gây viêm phù nề. Bé được nội soi cấp cứu gắp dị vật và được cho xuất viện sau 2 ngày điều trị.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Trưởng khoa Tiêu hóa, phần lớn trường hợp dị vật tiêu hóa được cơ thể tự đào thải và không cần can thiệp. Tuy nhiên vẫn có 10-20% trường hợp cần nội soi và 1% trường hợp cần phẫu thuật để lấy dị vật.
Theo thống kê của Khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Nhi Đồng 2), mỗi năm đơn vị tiếp nhận khoảng 250-300 trường hợp liên quan đến dị vật tiêu hóa và uống nhầm hóa chất. Riêng quý 1 năm nay, đã có 26 ca được cấp cứu.
Trước các vụ việc trên, các bác sĩ tại đây khuyến cáo, tai nạn đường tiêu hóa như uống nhầm hóa chất, hóc dị vật là những tai nạn sinh hoạt rất thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt trong thời gian nghỉ hè, khi trẻ hiếu động, tò mò và ít được người lớn giám sát. Do đó, phụ huynh cần đặc biệt lưu ý, cất kỹ các loại hoá chất tẩy rửa, chất độc hại khỏi tầm tay trẻ; quan sát trẻ khi ăn và khi chơi, tránh cho trẻ ăn khi đang chạy nhảy, đùa giỡn; không để trẻ chơi với các vật nhỏ, đồ chơi có pin, nam châm hoặc các chi tiết dễ nuốt.