Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới và có thể điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Dù nguyên nhân của bệnh vẫn chưa được xác định rõ, nhưng nguy cơ mắc bệnh có xu hướng gia tăng theo độ tuổi.
Căn bệnh này khởi phát từ tuyến tiền liệt, cơ quan nằm dưới bàng quang và bao quanh một phần niệu đạo. Một trong những trở ngại lớn đối với việc chẩn đoán sớm ung thư tuyến tiền liệt là việc thiếu vắng các chỉ dấu sinh học đáng tin cậy giúp phát hiện bệnh sớm.
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí Cancer Research cho thấy căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu có thể được phát hiện nhanh chóng thông qua một xét nghiệm nước tiểu đơn giản.
Ở nghiên cứu này, các nhà khoa học đã xây dựng mô hình số hóa của bệnh ung thư tuyến tiền liệt thông qua việc thu thập và phân tích hoạt động mRNA trên toàn bộ hệ gen của hàng nghìn tế bào ung thư riêng lẻ, được phân loại theo cấp độ ác tính và vị trí khối u. Sau đó, công cụ trí tuệ nhân tạo được sử dụng để phát hiện và xác định các loại protein có thể đóng vai trò như chỉ dấu của bệnh. Các chỉ dấu này tiếp tục được kiểm nghiệm và đối chứng với mẫu máu, mô tuyến tiền liệt của gần 2.000 bệnh nhân tham gia nghiên cứu.
Xét nghiệm PSA là một xét nghiệm máu nhằm đo nồng độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt, một loại protein do tuyến tiền liệt sản xuất. Tuy nhiên, chỉ số PSA cao còn có thể do phì đại hoặc viêm tuyến tiền liệt chứ không chỉ là dấu hiệu của ung thư.
Tác giả chính của nghiên cứu, bác sĩ Martin Smelik, đã chia sẻ phát hiện quan trọng trên tờ Medical News Today: “Phương pháp này không chỉ cho kết quả chính xác hơn so với xét nghiệm máu PSA hiện hành, mà còn có ưu điểm là không xâm lấn, không gây đau và chi phí thấp”.
“Công trình nghiên cứu này mang lại hy vọng về một chương trình tầm soát hiệu quả hơn trong vài năm tới, giúp phòng ngừa và điều trị ung thư tuyến tiền liệt tốt hơn”, bác sĩ Smelik nhấn mạnh. Ông cũng cho biết thêm dù nghiên cứu tập trung vào ung thư tuyến tiền liệt, nhưng phương pháp này hoàn toàn có tiềm năng để áp dụng cho nhiều loại ung thư khác, đây cũng chính là điều mà các nhà khoa học đang tiếp tục hướng tới.
Những tiến bộ này cũng được kỳ vọng sẽ giúp giảm số ca sinh thiết không cần thiết đối với những người không mắc bệnh.
“Chẩn đoán và điều trị sớm là yếu tố then chốt giúp phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, các phương pháp chẩn đoán hiện nay đều khá khó chịu và xâm lấn, đòi hỏi chuyên môn của bác sĩ tiết niệu. Do đó, phát hiện mới có thể thay đổi cách thức chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt, mở ra một công cụ sàng lọc phù hợp hơn mà chúng ta đang rất cần.
Đáng chú ý, các xét nghiệm nước tiểu cho thấy độ chính xác cao, không chỉ phân biệt được trạng thái có hay không có ung thư mà còn giúp xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh”, Tiến sĩ Milan Sheth, chuyên gia nội khoa, huyết học, ung thư và chăm sóc giảm nhẹ tại Viện Ung thư Todd MemorialCare thuộc Trung tâm Y tế Long Beach (California, Mỹ) nhận định.
Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Ramkishen Narayanan, chuyên gia tiết niệu, ung thư tiết niệu và Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Tiết niệu tại Trung tâm Ung thư Roy và Patricia Disney thuộc Bệnh viện Providence Saint Joseph (Burbank, California) giải thích thêm: “Nước tiểu có mối liên hệ mật thiết với tuyến tiền liệt, vì thế xét nghiệm nước tiểu để phát hiện ung thư tuyến tiền liệt là một chủ đề nghiên cứu đang được nghiên cứu trên toàn thế giới”.