Thống kê từ Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho thấy trong năm 2018, tỷ lệ mua hàng qua Facebook đạt 70%, tăng nhẹ so với năm 2017. Trong số những người mua sắm qua mạng xã hội, 33% mua hàng qua cả Facebook và Zalo, 37% chỉ mua hàng qua Facebook. Số người chỉ mua hàng qua Zalo khiêm tốn ở mức 2%. Ngay cả đối với những người mua hàng qua cả 2 mạng xã hội thì Facebook vẫn được dùng thường xuyên hơn (77% so với 5%).
Với sự thâm nhập cao của internet, các thiết bị di động và mạng xã hội, ngày càng có nhiều cá nhân tham gia vào thương mại điện tử. Trong số hơn 1.000 người được hỏi thì có tới 25% đã từng hoặc đang bán hàng trực tuyến.
Mặt hàng được các cá nhân bán phổ biến nhất là đồ thời trang (39%), mỹ phẩm (28%) và đồ ăn, thức uống (25%). Không ngạc nhiên khi Facebook là trang bán hàng trực tuyến được các cá nhân sử dụng nhiều nhất với 66%. Cũng trong top 3 là Shopee - 49% và Lazada - 26%.
Với lượng người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới mua sắm trực tuyến, cộng đồng doanh nghiệp cũng đang đẩy mạnh và dành nhiều ưu tiên cho mảng thương mại điện tử. Qua khảo sát của Sở Công Thương Hà Nội với 1.000 doanh nghiệp cho thấy, có 61% số doanh nghiệp đã áp dụng hình thức kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội. Hơn 50% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, doanh thu từ thương mại điện tử đã chiếm từ 30-50% tổng doanh thu. Theo các doanh nghiệp, đây là cách làm hiệu quả, tiện lợi, dễ tiếp cận và ghi nhận phản hồi của khách hàng với mức chi phí thấp.
Sở Công thương Hà Nội cho biết, 5 năm gần đây, Hà Nội luôn là một trong hai địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số thương mại điện tử. Tính đến nay, Thành phố đã tiếp nhận và chấp thuận cho 8.741 trang web, ứng dụng thương mại điện tử hoạt động trên địa bàn.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Thành phố khuyến khích các doanh nghiệp thành lập các trang web, ứng dụng thương mại điện tử. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng mã hình QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; in tem chống giả, tem xác thực hoặc các loại tem tương tự nhằm chống gian lận thương mại; ứng dụng mã QR trong thanh toán trực tuyến để thuận tiện trong việc mua sắm, bảo mật thông tin.
Tuy nhiên việc thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý như nhiều sàn thương mại điện tử không tuân thủ về pháp luật trong hoạt động của mình trong việc phải có trách nhiệm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái; các cá nhân, doanh nghiệp tự do, thoải mái đăng ký bán hàng trên các sàn đó, không cần cung cấp đầy đủ thông tin xác thực và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Do đó, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đã diễn ra khá phổ biến trên các trang web, ứng dụng thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, còn có câu chuyện hàng loạt cá nhân có doanh thu hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ đồng nhờ các hoạt động kinh doanh trên facebook, google… vẫn vô tư “quên” khai thuế thời gian qua cho thấy, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử vẫn là nơi mà cơ quan thuế chưa có giải pháp hiệu quả để tăng thu ngân sách.
Để quản lý các hình thức kinh doanh trực tuyến, TP. Hà Nội kiến nghị Chính phủ và Bộ Công thương sớm đưa ra các quy định chặt chẽ, phù hợp thực tế để đưa hoạt động kinh doanh trực tuyến vào khuôn khổ. Với các trường hợp vi phạm, cần xử phạt và công khai danh tính.
Đối với người người tiêu dùng, chỉ nên mua sắm trên các trang web chính thống được Bộ Công thương phê duyệt, kiểm tra kỹ thông tin, hình ảnh về hàng hóa và các chính sách đổi trả, bảo hành trước khi đặt mua hàng…