Bộ Giao thông đưa 3 kịch bản về dự án BOT Cai Lậy

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông thông tin về kịch bản để giải quyết những khúc mắc đối với trạm thu phí BOT Cai Lậy ở tỉnh Tiền Giang.
Bộ Giao thông đưa 3 kịch bản về dự án BOT Cai Lậy

Sáng 5/12, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông thẳng thắn nêu lên những vấn đề tồn tại của các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Theo Thứ trưởng Đông, các dự án làm theo hình thức đầu tư BOT là chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện có những bất cập, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ.

Liên quan đến điểm nóng BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết tối 4/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có quyết định tạm dừng thu phí trong vòng 1-2 tháng để xem xét, đánh giá toàn diện các vấn đề liên quan đến dự án; từ đó xây dựng phương án cụ thể để báo cáo Thủ tướng trước khi tổ chức thu phí trở lại.

3 phương án để tính toán với BOT Cai Lậy

Đối với BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết có 3 kịch bản để tính toán:

Kịch bản thứ nhất, nếu giữ nguyên vị trí trạm thu phí thì cần tăng cường tuyên truyền vận động người dân, kèm cải thiện các dịch vụ để giải đáp những thắc mắc như mở thêm làn.

Thứ hai, di dời trạm thu phí về tuyến tránh, tức là phá phương án tài chính. Với kịch bản này, cần tính toán lại, thương thảo với nhà đầu tư về thời gian thu phí. Tuy nhiên, rất khó khả thi bởi thời gian thu hồi vốn không đúng theo cam kết vay vốn, có thể ảnh hưởng tới nợ xấu ngân hàng.

Kịch bản thứ ba, là sẽ đặt 2 trạm thu phí, một trạm trên quốc lộ 1 để thu phí phần nhà đầu tư bỏ ra đầu tư trên quốc lộ; đồng thời, đặt một trạm trên tuyến tránh để thu phí phần nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng tuyến tránh.

Thứ trưởng Đông cho biết Thủ tướng đã nghe báo cáo và các bộ, ngành đều có ý kiến trong cuộc họp tối 4/12.

"Cũng có bộ, ngành thiên về phương án này, phương án kia, tuy nhiên nhìn chung không ai nói Nhà nước sẽ mua lại dự án BOT Cai Lậy", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.

"Tuy nhiên, Thủ tướng vẫn yêu cầu phải rà lại toàn bộ để xem xét. Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các phương án để so sánh, lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, đơn vị, sau đó trình Thủ tướng quyết định", ông Đông nêu rõ.

Dự án BOT Cai Lậy và vị trí trạm thu phí hiện tại.

Lắng nghe và tôn trọng ý kiến của dân

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết quan điểm của Thủ tướng là chủ trương về BOT nhất quán để thu hút nguồn lực đầu tư ngoài vốn ngân sách Nhà nước. Nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện những gì chưa đúng thì cơ quan chức năng phải biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của dân. Những gì thuộc quy định cũ, những gì chưa hợp lòng dân phải lắng nghe, phải xem xét nghiêm túc và xử lý.

"Riêng với Cai Lậy, Thủ tướng quyết định tạm dừng thu phí 1 tháng và giao Bộ Giao thông Vận tải đánh giá toàn diện và đề xuất phương án xử lý, kết hợp với tỉnh Tiền Giang xử lý cụ thể trên tinh thần hợp lý, hợp tình, hợp lòng dân", ông Mai Tiến Dũng nói.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy sau 3 tháng tạm dừng thu phí trở lại vào sáng 30/11. Để chuẩn bị cho các tình huống ùn tắc, BOT Cai Lậy đã đưa ra các phương án khác nhau như thông báo: "Đối với khách hàng sử dụng tiền có mệnh giá nhỏ, khách có ý kiến đóng góp kính đề nghị di chuyển phương tiện vào vị trí phù hợp theo hướng dẫn của nhân viên".

Ngoài ra chủ đầu tư cũng bố trí dàn xe cẩu chờ sẵn để kéo những ôtô cố tình gây ùn tắc giao thông. Lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, cảnh sát 113 cũng có mặt...

Tuy nhiên, việc thu phí đã vấp phải sự phản đối của người dân và các lái xe. Trong 5 ngày liên tiếp từ 30/11 đến 4/12, BOT Cai Lậy liên tục phải xả trạm để tránh ùn tắc. Riêng ngày 2/12, trạm này phải xả đến 12 lần.

Người dân cho rằng việc đặt trạm BOT trên quốc lộ 1 thu phí cho tuyến tránh là bất hợp lý. Họ dùng tiền lẻ, tiền xu… trả phí để cố tình kéo dài thời gian qua trạm. 

Dự án đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1 qua đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường theo hình thức hợp đồng BOT được Bộ GTVT phê duyệt vào năm 2009.

Dự án này bao gồm xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy 12 km và cải tạo mặt đường quốc lộ 1 dài 26,5 km với tổng kinh phí trên 1.300 tỷ đồng.
Trong đó, phần xây mới tuyến tránh có tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng. Phần cải tạo quốc lộ 1 là trên 300 tỷ đồng.

Dự án được khởi công vào năm 2014, hoàn thành 7/2017. Để hoàn vốn, nhà đầu tư được lập trạm thu phí tại km1999+900 để thu phí trong vòng 7 năm 5 tháng.

Theo Zing

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...