Thêm vào đó, có nhiều tác động như giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất, nhu cầu biến động mang tính mùa vụ...
"Giá vật liệu xây dựng và nhân công sửa chữa nhà ở tăng lên do nhu cầu nguyên liệu đầu vào tăng; giá dịch vụ vận tải tăng do vào mùa cao điểm du lịch; giá mặt hàng đồ uống tăng do nhu cầu tiêu dùng tăng lên trong mùa hè, đồng thời giá nguyên liệu đầu vào và giá vận chuyển tăng...", Bộ Tài chính dẫn chứng.
Việc giá xăng tăng mạnh trong một thời gian dài đã khiến nhiều mặt hàng tăng giá theo. Đơn cử như thịt lợn tăng vọt đã khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 0,4%, tăng 3,59% so với tháng 12/2021 và tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước.
Các mặt hàng lương thực, thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong rổ tính CPI tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển do đó đã tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng.
Việc "phải giảm giá xăng dầu" là một trong những yêu cầu cấp bách. Thậm chí, khi giá xăng dầu được "ghìm cương" thì Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành cùng rà soát, kiểm soát giá hàng hoá, dịch vụ, không để xảy ra găm hàng, đầu cơ và tăng giá bất hợp lý sau khi giá xăng dầu giảm mạnh.
Với xăng dầu, Thủ tướng giao Bộ Công thương theo dõi sát diễn biến giá thế giới, linh hoạt sử dụng công cụ quỹ bình ổn trong điều hành để "giá xăng dầu trong nước ở mức phù hợp" và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng.
Để hạ nhiệt giá xăng dầu, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cùng các đơn vị liên quan đã phố hợp điều chỉnh nhiều loại thuế như tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường... Mới đây, Bộ Tài chính cũng đề xuất xin Thủ tướng giám thêm 2 loại thuế của mặt hàng đặc biệt này.