Bộ trưởng Bộ Nội Vụ ủng hộ lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng có đủ cơ sở để lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM. Bà Trà còn cho rằng có thể nhân rộng mô hình này ra các đô thị lớn.
sở an toàn thực phẩm
Bộ trưởng Bộ Nội vụ, bà Phạm Thị Thanh Trà

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu ra trong buổi họp tổ Quốc hội chiều ngày 30/5.

Theo đó, bà Trà phân tích, đề xuất lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM là có cơ sở chính trị, vì tháng 11/2022, Ban Bí thư giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo tổng kết Luật An toàn thực phẩm và nghiên cứu kiện toàn bộ máy quản lý theo hướng thống nhất một đầu mối. Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TP.HCM cũng trao quyền cho TP.HCM được phép tổ chức bộ máy.

Về pháp lý, Luật An toàn thực phẩm và các luật liên quan đã có quy định về thành lập Sở An toàn thực phẩm. Chính phủ cũng cho phép thành phố Hồ Chí Minh thí điểm lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm và đã cho thấy có hiệu quả.

Do đó, cơ sở lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đã có đầy đủ, có thể thí điểm trong 5 năm, sau đó đánh giá hiệu quả hoạt động.

"Nếu Sở An toàn thực phẩm TP.HCM hoạt động hiệu quả và hợp lý, khi cần thiết, chúng tôi sẽ tham mưu nghiên cứu lập Sở An toàn thực phẩm ở các đô thị lớn", bà Trà nói.

Góp ý vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cũng cho rằng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm rất bức xúc ở các đô thị lớn, việc thành lập Sở An toàn thực phẩm có chức năng, nhiệm vụ như vậy là cần thiết.

Nhưng, bà Thủy đề nghị không nên giới hạn chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Sở An toàn thực phẩm để tạo sự chủ động, linh hoạt trong quyết định bộ máy.

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang đoàn TP.HCM, Phó viện trưởng Viện kiểm sát TP.HCM cũng cho rằng thành phố hơn 13 triệu dân, rất cần cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

"Việc lập sở mới không làm tăng biên chế vì sử dụng biên chế của Ban Quản lý an toàn thực phẩm và chuyển một số chức năng quản lý nhà nước của Sở Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương", đại biểu Sang cho hay.

Trước đó, từ tháng 10/2022, UBND TP.HCM đã có công văn gửi các Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ đề nghị góp ý dự thảo đề án thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM.

Trong tờ trình của Chính phủ, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM có chức năng thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật cũng như xử lý những vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Sở sẽ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, lưu thông, phân phối, kinh doanh đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm.

Đồng thời, sở có chức năng cấp, đình chỉ, thu hồi các loại giấy chứng nhận, giấy xác nhận, giấy tiếp nhận; triển khai hoạt động phòng ngừa, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm... 

Sở An toàn thực phẩm thành phố cũng thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về kiểm nghiệm thực phẩm; phối hợp với các sở, ngành kiểm tra hướng dẫn trong trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt, khai thác sản phẩm, phòng chống thực phẩm giả; sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng cùng nhiều chức năng khác...

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...