Quảng cáo sản phẩm Xuyên tâm liên Phạm Gia vi phạm, Cục An toàn thực phẩm khuyên người tiêu dùng không sử dụng

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa có cảnh báo về việc chủ sở hữu của các sản phẩm Xuyên tâm liên Phạm Gia, Bổ Tỳ Taca Phạm Gia... vi phạm quy định về quảng cáo...

Ngoài sản phẩm Xuyên tâm liên Phạm Gia, Bổ Tỳ Taca Phạm Gia... Cục An toàn thực phẩm đồng thời cảnh báo cả sản phẩm bột dạ dày Thanh vị tán, Chiết xuất Hà thủ ô đỏ Phạm Gia Gold 3+ cũng có hành vi tương tự.

Theo đó, qua công tác hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên internet và môi trường mạng, Cục An toàn thực phẩm phát hiện trên một số trang web quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Bột dạ dày Thanh vị tán, Chiết xuất Hà thủ ô đỏ Phạm Gia Gold 3+, Xuyên tâm liên Phạm Gia và Bổ Tỳ Taca Phạm Gia vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm. Cụ thể là là quảng cáo không phù hợp với Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp.

Theo Cục An toàn thực phẩm, các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo vi phạm nêu trên do Công ty TNHH sản xuất và xuất nhập khẩu Nguyên Hà – Phạm Gia, có địa chỉ ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm.

Quảng cáo sản phẩm Xuyên tâm liên Phạm Gia vi phạm, Cục An toàn thực phẩm khuyên người tiêu dùng không sử dụng

Tuy nhiên, quá trình hậu kiểm, Công ty TNHH sản xuất và xuất nhập khẩu Nguyên Hà – Phạm Gia không thừa nhận việc quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Bột dạ dày Thanh vị tán, Chiết xuất Hà thủ ô đỏ Phạm Gia Gold 3+, Xuyên tâm liên Phạm Gia và Bổ Tỳ Taca Phạm Gia trên các website này.

Do đó, để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm, trong thời gian Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với cơ quan chức năng xử lý vụ việc, người tiêu dùng không mua không sử dụng các sản phẩm.

Trong một diễn biến liên quan, mới đây Cục An toàn thực phẩm ban hành Quyết định xử phạt Công ty cổ phần dược phẩm quốc tế TAPHACO đối với 2 hành vi: quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nutrizabet gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nutrizabet không phù hợp với Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp.

Cùng với phạt hành chính, Cục An toàn thực phẩm đã buộc Công ty cổ phần dược phẩm quốc tế TAPHACO tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm.

Tháng 3/2022, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các Bộ, ngành và UBND các tỉnh/thành phố về việc tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa có thẩm định của cơ quan chuyên môn hoặc không đúng với nội dung đã được thẩm định. Rà soát quản lý chặt điều kiện cho phép mở các trang website, tên miền hoạt động nhằm đảm bảo khi phát hiện sai phạm về quảng cáo cần kịp thời tạm đóng tên miền hoặc đóng vĩnh viễn tên miền vi phạm.

Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Công An chỉ đạo kiểm tra xử lý nghiêm để làm gương các chủ tên miền quảng cáo trên các trang mạng xã hội vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo. Chủ trì phối hợp với các cơ quan của Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, thành phố điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng…

Xem thêm

Quảng cáo facebook và câu chuyện “bị lạm dụng” của các thương hiệu nổi tiếng

Quảng cáo facebook và câu chuyện “bị lạm dụng” của các thương hiệu nổi tiếng

Gần Tết là thời điểm kích cầu mua sắm, một số thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng liên tục được quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội, tiêu biểu như facebook. Được quảng cáo và bán với giá sale hấp dẫn nhưng liệu các thương hiệu này có bị “lạm dụng” để phục vụ mục tiêu bán hàng không chính đáng.

Có thể bạn quan tâm