Bộ trưởng Bộ TT&TT: Năm 2022 là năm tổng tiến công về chuyển đổi số

Trong buổi gặp mặt đầu Xuân Nhâm Dần 2022, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, năm 2022 là năm tổng tiến công về chuyển đổi số (CĐS), sau một năm tổng diễn tập về CĐS.

Tổng tiến công CĐS sau một năm tổng diễn tập

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2022 là năm khẳng định năng lực dẫn dẫn dắt CĐS quốc gia và quản lý báo chí truyền thông của Bộ TT&TT.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Năm 2022 là năm tổng tiến công về chuyển đổi số"
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Năm 2022 là năm tổng tiến công về chuyển đổi số"

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Nếu không làm tốt được trong năm 2022 này thì chúng ta sẽ đánh mất đi niềm tin và sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân vào ngành TT&TT. Một năm đánh mất là nhiều chục năm tìm lại. Tìm lại được thì cơ hội đã đi qua. Đánh mất cơ hội là sự đánh mất lớn nhất”.

Để có niềm tin lớn, để có thể đi những bước đi lớn, để có thể dẫn dắt lớn về CĐS, Bộ trưởng nhấn mạnh phải có lý luận về CĐS Việt Nam và liên tục hoàn thiện. Việt Nam muốn CĐS thành công thì phải đi con đường Việt Nam. Con đường phải có ngọn đuốc soi sáng, đó là lý luận về CĐS Việt Nam.

Để làm tốt được, Bộ trưởng cho rằng phải có cách tiếp cận khả thi, biến việc khó thành dễ. CĐS là cuộc cách mạng toàn dân và toàn diện. "Hãy bắt đầu bằng việc cung cấp các nền tảng số phục vụ người dân. Khó nhất là để dân theo. Nhưng cũng là dễ nhất, bởi vì nếu có lợi là họ sẽ theo. Đa số các nền tảng số mà chúng ta đặt mục tiêu năm 2022 này đều là để mang lại lợi ích cho người dân. Khi người dân theo, mọi người dân theo thì khi đó cuộc cách mạng sẽ xảy ra".

Quản lý nhà nước, theo Bộ trưởng, sẽ làm cho những cái tốt đã được khẳng định mà chưa hợp pháp trở thành hợp pháp. Cách mạng sẽ làm cho đất nước ta đi nhanh và vượt lên phía trước. Có những việc, có những lúc thì chính quyền đi trước dẫn dắt người dân, nhưng cũng có những việc, có những lúc người dân, xã hội, doanh nghiệp (DN) đi trước và sau đó chính quyền thể chế hóa để thúc đẩy mạnh mẽ hơn.

Bộ trưởng cho biết Bộ TT&TT đang có cơ hội để giúp đất nước phát triển nhanh và trở lên mạnh. "Đôi cánh để Việt Nam bay lên hùng cường thịnh vượng là khát vọng hùng cường và công nghệ, đều có liên quan đến ngành ta, bộ ta. Sứ mệnh trăm năm đã được trao, cờ đã đến tay!".

Bộ trưởng kêu gọi: "Tất cả mọi người trong ngành TT&TT phải đoàn kết một lòng, huy động nguồn lực đại đoàn kết, lao động sáng tạo, để tạo ra đại thành công".

Mạng lưới bưu chính, viễn thông, Internet thông suốt

Thông tin về tình hình mạng lưới bưu chính, viễn thông (BCVT), Internet trong dịp Tết Nhâm Dần 2022, bà Hoàng Thị Phương Lựu - Phó Chánh Văn phòng phụ trách điều hành Văn phòng Bộ TT&TT cho biết, Bộ TT&TT đã tổ chức tốt các hoạt động thông tin báo chí, xuất bản; các dịch vụ BCVT và Internet đảm bảo thông suốt. An toàn thông tin (ATTT) mạng được đảm bảo, các phương tiện thông tin đại chúng liên tục cập nhật, đưa tin kịp thời các hoạt động của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, không khí đón xuân của nhân dân cả nước.

Bà Hoàng Thị Phương Lựu - Phó Chánh Văn phòng phụ trách điều hành Văn phòng Bộ TT&TT: Bộ TT&TT đã tổ chức tốt các hoạt động thông tin báo chí, xuất bản; các dịch vụ BCVT và Internet đảm bảo thông suốt
Bà Hoàng Thị Phương Lựu - Phó Chánh Văn phòng phụ trách điều hành Văn phòng Bộ TT&TT: Bộ TT&TT đã tổ chức tốt các hoạt động thông tin báo chí, xuất bản; các dịch vụ BCVT và Internet đảm bảo thông suốt

Cụ thể, về lĩnh vực bưu chính, hoạt động khai thác mạng lưới vận chuyển trong lĩnh vực bưu chính chuyển phát trước và trong Tết phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và của các cơ quan Đảng, Nhà nước liên tục, không bị gián đoạn, nhanh chóng, chính xác, an toàn trong mọi tình huống.

Đối với lĩnh vực viễn thông, mạng viễn thông hoạt động ổn định, thông tin liên lạc được đảm bảo thông suốt và an toàn trong dịp Tết. Mạng di động, Internet, mạng viễn thông cố định mặt đất lưu thoát tốt, lưu lượng tải xử lý của hệ thống đảm bảo không xảy ra sự cố trong giao thừa, không xảy ra tình trạng tắc nghẽn cục bộ, chất lượng mạng duy trì tốt trong cả giai đoạn Tết. Lưu lượng thoại và dữ liệu (data) tăng không đáng kể so với năm 2021.

Mạng truyền hình trả tiền đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, toàn bộ hệ thống DNS quốc gia, hệ thống trạm trung chuyển Internet quốc gia và các hệ thống kỹ thuật, dịch vụ quản lý tài nguyên Internet quốc gia hoạt động ổn định, thông suốt, không có bất kỳ sự cố nào góp phần đảm bảo hoạt động an toàn, ổn định và thông suốt của mạng Internet Việt Nam.

Về đảm bảo ATTT mạng, từ 29/1 cho đến ngày 5/2, Bộ TT&TT ghi nhận và hướng dẫn khắc phục 244 sự cố tấn công mạng, gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tiếp nhận 517 phản ánh về tin nhắn rác trên hệ thống tiếp nhận về tin nhắn rác 5656 và đã yêu cầu nhà mạng chặn 10,4 triệu tin nhắn rác.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai ngay sau Tết, Bộ TT&TT sẽ tổ chức thực hiện nay các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị 01 ngày 8/01/2022 của Bộ trưởng Bộ TT&TT về định hướng phát triển ngành TT&&TT năm 2022 và giai đoạn 2022/24 nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ nỗ lực phấn đấu góp phần xây dựng một Chính phủ đoàn kết, kỷ cương, chủ động, thích ứng an toàn, hiệu quả phục hồi phát triển.

Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo các DN viễn thông tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ, bảo đảm tính liên tục và dự phòng cho hạ tầng số trong mọi tình huống; triển khai các biện pháp xử lý triệt để rác viễn thông, SIM rác, các cuộc gọi rác, cuộc gọi giả mạo, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giám sát bảo đảm ATTT mạng cho các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia phục vụ phát triển Chính phủ điện tử; kịp thời phát hiện sớm nguy cơ bị ảnh hưởng đến ATTT mạng; sẵn sàng xử lý khi sự cố xảy ra; triển khai việc chiến lược phát triển Chính phủ điện tử gửi tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030, trong đó chú trọng vào các ứng dụng nền tảng hỗ trợ hoạt động không tiếp xúc góp phần kiểm soát dịch bệnh COVID-19 lây lan trong cộng đồng...

Có thể bạn quan tâm

1C Việt Nam với nền tảng Low-Code mạnh mẽ đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp triển khai ERP thành công

Giải pháp ERP trên nền tảng công nghệ Low-Code của 1C Việt Nam

Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra tầm quan trọng của việc ứng dụng ERP để nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa quy trình và đưa ra quyết định kinh doanh chính xác hơn… Tuy nhiên, việc triển khai ERP vẫn còn gặp nhiều thách thức, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Gói cước 5G có gì mới so với 4G?

Gói cước 5G có gì mới so với 4G?

Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, mạng 5G đang mở ra một cuộc cách mạng mới trong việc kết nối và trải nghiệm Internet, mang đến tốc độ nhanh hơn và dung lượng lớn hơn gấp nhiều lần so với 4G…