Nhấn mạnh thông điệp "Make in Vietnam" với nội hàm sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đề cao vai trò của công nghệ, doanh nghiệp công nghệ, cũng như đối tượng các startup công nghệ trong thời đại mới.
Bộ trưởng cho rằng, công nghệ đã và đang giải những bài toán của Việt Nam. Việt Nam với những vấn đề của mình chính là thị trường để sinh ra và phát triển các doanh nghiệp công nghệ. Việt Nam cũng là cái nôi để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra toàn cầu, giải những bài toán toàn cầu.
"Make in Vietnam sẽ là tuyên bố của chúng ta", Bộ trưởng nói và giải thích nó hàm nghĩa người Việt Nam sẽ phải làm chủ công nghệ. Theo ông, nếu chỉ lắp ráp, gia công, đất nước sẽ không giải được bài toán năng suất lao động và bẫy thu nhập trung bình.
Bộ trưởng cũng khuyến khích các doanh nghiệp lớn của Việt Nam, trong các lĩnh vực khác, chuyển sang đầu tư công nghệ, với vai trò đầu tàu, từ đó kéo theo hàng ngàn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất.
"Đây không chỉ là lời kêu gọi mà đây là trách nhiệm đối với đất nước, đối với sự hưng thịnh của đất nước, nhưng cũng là cho tương lai của chính những công ty này. Chúng ta đã từng nghe một số công ty dịch vụ của Việt Nam tuyên bố chiến lược mới về một tập đoàn công nghiệp, công nghệ và dịch vụ, như Viettel, Vingroup... Nhiều quốc gia đã hoá rồng về cơ bản là trên nền tảng của một số tập đoàn công nghệ lớn", ông cho biết.
Nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp lớn nhưng Bộ trưởng tin rằng Việt Nam cũng rất cần các khởi nghiệp công nghệ. Ông cho biết sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến để có thể tạo ra được môi trường tốt nhất cho cộng đồng này phát triển.
"Chính những công ty công nghệ quy mô nhỏ này sẽ tạo lên một cuộc cách mạng toàn dân về phát triển và ứng dụng công nghệ tại Việt Nam. Chính từ những khởi nghiệp công nghệ này sẽ hình thành lên một số người khổng lồ công nghệ Việt Nam", Bộ trưởng nói.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng tin rằng Việt Nam cần một quỹ để phát triển công nghệ Việt Nam, sẽ tốt và hiệu quả hơn khi đây là một quỹ của toàn dân Việt Nam, của người Việt Nam trên toàn cầu.
Việt Nam cường thịnh là khát vọng toàn dân và Quỹ phát triển công nghệ Việt Nam là để hiện thực hóa khát vọng đó, bởi vậy nên là một quỹ toàn dân, do toàn dân đóng góp và do chính người dân sẽ giám sát sự vận hành của quỹ. Mô hình vận hành quỹ thì có thể học tập từ một số quốc gia khác đã thành công với quỹ này.
Đặc biệt, người đứng đầu Bộ TT&TT cũng nhắc đến nguồn lực quan trọng là nhân tài. Ngoài đội ngũ nhân tài trong nước, Việt Nam đang thu hút nhiều nhân tài ngoài nước và người Việt ở nước ngoài. Ngoài ra, cần có quỹ để phát triển công nghệ của toàn dân, của người Việt trên toàn cầu đóng góp và do người dân giám sát vận hành.
"Chúng ta đang và sẽ sống trong kỷ nguyên số, kéo dài hàng trăm năm. Một đất nước hóa rồng cũng phải nhiều thập kỷ. Sự chuyển đổi lớn nhất là sự chuyển đổi của tất cả mọi người trong xã hội đó", Bộ trưởng kết luận.
Theo Việt Hưng/TheLEADER