Theo công bố về nhà ở và thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng, trong quý 2/2023, thị trường bất động sản công nghiệp được bổ sung nguồn cung mới từ một số dự án và tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc.
Một số dự án khu công nghiệp được khởi công trong nửa đầu năm 2023 như: khu công nghiệp Sông Lô II quy mô 165,6 ha, khu công nghiệp SHI IP Tam Dương quy mô 162,3 ha tại Vĩnh Phúc, khu công nghiệp VSIP 3 (tại Bình Dương) quy mô 1.000 ha, khu công nghiệp Vĩnh Thạnh giai đoạn 1 (tại Cần Thơ) quy mô 293,7 ha; khu công nghiệp Gia Lộc, An Phát 1 quy mô 180 ha, khu công nghiệp Kim Thành, Tân Trường Đại An, Phúc Điền mở rộng quy mô 214,5 ha (tại Hải Dương); khu công nghiệp Hải Long quy mô 296,9 ha (tại Thái Bình); khu công nghiệp và khu phi thuế quan Xuân Cầu quy mô 752 ha tại Hải Phòng; khu công nghiệp số 5 thuộc khu công nghiệp và đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt quy mô 192 ha tại Hưng Yên….
Về nhu cầu thuê nhà xưởng khu công nghiệp trong quý có xu hướng giảm nhẹ so với kỳ trước, trong đó giảm nhiều hơn ở khu vực phía Nam. Tại một số tỉnh có xuất hiện nhu cầu tăng nhẹ như Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nam Định, Hải Phòng do ký kết hợp đồng với nhiều đối tác nước ngoài trong giai đoạn đầu năm 2023 .
Đáng chú ý, tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp hiện hữu trên địa bàn cả nước đạt khoảng 80% tại khu vực phía Bắc và trên 85% tại khu vực phía Nam. Giá cho thuê đất bình quân cho cả chu kỳ thuê tại các khu công nghiệp trong quý 2/2023 cơ bản ổn định so với quý trước và tăng khoảng 5÷7% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với loại hình nhà xưởng và kho xây sẵn, giá cho thuê cơ bản ổn định, khu vực miền Bắc giá thuê đất khu công nghiệp trung bình từ 600 - 100 USD/m2, khu vực miền Nam, giá thuê đất khu công nghiệp cao hơn khu vực phía Bắc. Cụ thể, tại TP.HCM mức giá thuê đất khu công nghiệp dao động từ 140 - 300 USD/m2, Long An có giá thuê từ 125 - 175 USD/m2, Bình Dương từ 100 - 250 USD/m2, Đồng Nai từ 100 - 200 USD/m2.
Đánh giá về phân khúc bất động sản khu công nghiệp, ông Vũ Minh Chí, quản lý cấp cao Dịch vụ Công nghiệp, Colliers đánh giá, Việt Nam được định vị là một trong những địa điểm rất tiềm năng để mở rộng sản xuất và đang nổi lên như một điểm sáng cho sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và logistics ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Nhiều ông lớn đến từ Mỹ và Hàn Quốc với dòng vốn FDI quy mô lớn tìm cơ hội phát triển tại Việt Nam. Theo Nikkei Asia, chuỗi cung ứng của Apple như BOE, Quanta, Compal, Goertek, Foxconn đã có nhà máy tại các khu công nghiệp Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, nay có kế hoạch mở và mở rộng nhà máy ở các tỉnh Bắc Ninh, Nam Định, Nghệ An, Quảng Ninh.
Các tập đoàn lớn đều đã đầu tư vào Việt Nam và có kế hoạch mở rộng trong thời gian tới, Samsung tăng quy mô vốn đầu tư lên 20 tỷ USD, LG sẽ đầu tư thêm 5 tỷ USD vào Việt Nam, SK đẩy mạnh rót vốn vào Việt Nam thông qua các khoản đầu tư vào Masan, Vingroup...
"Thực tế, đã xuất hiện điểm sáng nổi bật trong khâu xử lý thủ tục hành chính, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài từ phía chính quyền địa phương tỉnh Quảng Ninh. Đây chắc chắn sẽ là điểm nhấn giúp Quảng Ninh tiếp tục ghi điểm trong mắt các nhà đầu tư. Cũng là bài học để các địa phương khác nghiên cứu và làm theo", ông Chí phân tích.