Tại Diễn đàn bất động sản Việt Nam thường niên lần thứ hai được tổ chức sáng 27/11 (Hà Nội), ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng đã đưa ra những dự báo về thị trường bất động sản trong năm 2020.
Theo đó, ông Hưng dự báo thị trường bất động sản năm 2020 sẽ không có nhiều biến động, nhu cầu về nhà ở tiếp tục gia tăng, đặc biệt đối với phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp. Thị trường bất động sản 2020 dự báo tiếp tục phát triển ổn định, bền vững.
Phó Cục trưởng, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cũng đưa ra 6 tồn tại của thị trường bất động sản hiện nay.
Thứ nhất, thị trường bất động sản phát triển chưa thật sự ổn định. Vẫn còn khá nhiều dự án bị bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực của xã hội. Cơ cấu hàng hóa bất động sản, nhất là nhà ở (tại các thành phố lớn như Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh,...) còn mất cân đối, chưa phù hợp với nhu cầu của đa số người dân. Giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, khá cao so với thu nhập của người dân.
Thứ hai, thị trường bất động sản phát triển thiếu minh bạch, từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giao dự án đến giao dịch bất động sản. Hệ thống thông tin, dự báo về tình hình thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch. Chưa có hệ thống quản lý và thống kê dữ liệu về sở hữu bất động sản, giao dịch bất động sản đồng bộ để đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương về lĩnh vực bất động sản.
Thứ ba, việc tổ chức triển khai thực hiện phát triển nhà ở xã hội đang gặp vấn đề tồn tại lớn nhất là ngân sách nhà nước chưa bố trí đủ nguồn vốn cho nhà ở xã hội, đặc biệt là chưa bố trí được nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại cho vay nhà ở xã hội.
Hiện nay và trong thời gian tới nguồn cung về nhà ở xã hội còn rất hạn chế, chưa thể đáp ứng nhu cầu của người nghèo, người thu nhập thấp, chính vì vậy mà nhu cầu về nhà ở thương mại có quy mô vừa và nhỏ, giá thấp là rất lớn, trong khi pháp luật lại chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào phân khúc này.
Thứ tư, trong vài năm trở lại đây, nhiều địa phương ven biển đã cho phép doanh nghiệp đầu tư kinh doanh các dự án du lịch nghỉ dưỡng có loại hình công trình (condotel). Tuy nhiên, việc đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành và kinh doanh các Kỷ yếu diễn đàn Bất động sản Việt Nam 69 loại hình bất động sản mới này vẫn còn một số vướng mắc như: quy định pháp luật chưa quy định rõ về chế độ sử dụng đất, thời hạn sở hữu khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; còn thiếu quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng; quy chế quản lý vận hành, kinh doanh với các bất động sản mới (căn hộ du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú...).
Thứ năm, nguồn lực tài chính cho đầu tư các dự án bất động sản nói chung còn rất hạn chế, chưa đa dạng, chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và tiền ứng trước của khách hàng. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì dư nợ tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản liên tục tăng từ năm 2014 đến nay. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là dư nợ tín dụng chủ yếu tập trung vào một số nhà đầu tư lớn và phân khúc bất động sản cao cấp, trên thị trường tín dụng có dấu hiệu một số hoạt động không lành mạnh; bên cạnh đó lại đang thiếu nguồn vốn tín dụng vào phân khúc bất động sản nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội mà số đông người dân đang cần.
Thứ sáu, công tác rà soát, điều chỉnh, chuyển đổi cơ cấu các dự án bất động sản cho phù hợp với nhu cầu của thị trường đã được triển khai, nhưng nhiều địa phương còn thiếu quyết liệt trong việc thu hồi dự án theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc tạm dừng các dự án không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch và nhu cầu thực của thị trường