Bộ Xây dựng: Tạm dừng gói tín dụng 110.000 tỷ đồng nhà ở xã hội, dùng gói 120.000 tỷ đồng

Đây là đề xuất thay đổi mới nhất của Bộ Xây dựng về gói tín dụng 110.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội đã được Bộ đưa ra tại hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản diễn ra ngày 17/2 vừa qua.

Cụ thể, tại "Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững" do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vừa qua, Bộ Xây dựng đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Gói tín dụng này giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây. Trong đó, 50% gói tín dụng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay ưu đãi; 50% gói tín dụng còn lại cho khách hàng cá nhân (người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân).

Tuy nhiên, sau đó, Bộ đã có sự thay đổi, đề xuất dừng gói tín dụng này. Thay vào đó dùng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mà Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất trước đó.

goi-tin-dung
Bộ đã có sự thay đổi, đề xuất dừng gói tín dụng 110.000 tỷ đồng. Thay vào đó dùng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mà Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất trước đó.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã họp với 4 ngân hàng thương mại nhà nước và thống nhất dành một gói tín dụng cho lĩnh vực xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trị giá 120.000 tỷ đồng. Với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn 1,5%-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.

Bộ Xây dựng khẳng định sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.

Được biết, ngoài tín dụng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; Bộ Xây dựng cũng đã ban hành đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” để tăng nguồn cung.

Theo báo cáo của Bộ xây dựng, với phân khúc nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội, đang thiếu hụt nguồn cung trầm trọng. Năm 2022, cả nước có 682 dự án với 301.967 căn hộ, dự án nhà ở xã hội có 150 dự án, 19.967 căn hộ. Như vậy phải có những giải pháp thúc đẩy nguồn cung với doanh nghiệp xây dựng phân khúc này, từ đó, thúc đẩy nguồn vốn cho thị trường bất động sản.

Đáng chú ý, cũng chính tại Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản diễn ra ngày 17/2, sau khi nghe đề xuất của Bộ Xây dựng đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc có một gói tín dụng riêng cho lĩnh vực này là cần thiết, để tăng cung về nhà ở xã hội, giúp giảm mất cân đối với thị trường bất động sản.

"Nhưng nguồn vốn từ đâu cũng phải cân nhắc. Tức là, với nguồn vốn từ tái cấp vốn, là cung ứng tiền ra với thời gian dài hạn, có thể làm giảm tính linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ. Vì vậy, cần tính toán nguồn vốn tổng thể trên cơ sở chính sách tiền tệ cũng đang thực hiện nhiều chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu như tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng… và ở các lĩnh vực, các ngành kinh tế khác", bà Hồng phát biểu.

Có thể bạn quan tâm