Bộ Xây dựng: Vicem chưa được phê duyệt phương án bán “đất vàng”

Trong nội dung báo cáo lên Thủ tướng, Bộ Xây dựng đã đề cập đến nội dung báo chí phản ánh liên quan đến việc Vicem đề xuất thay đổi sắp xếp lại, xử lý đối với 3 cơ sở nhà đất.
Bộ Xây dựng: Vicem chưa được phê duyệt phương án bán “đất vàng”

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp trực thuộc, trong đó có nội dung về tình hình sắp xếp, xử lý một số nhà đất do Vicem quản lý và sử dụng.

Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) là doanh nghiệp thuộc 100% sở hữu của Nhà nước, do Bộ Xây dựng làm đại diện thực hiện cổ phần hoá (CPH) theo danh mục doanh nghiệp thực hiện CPH đến hết năm 2020. Theo quy định của Chính phủ, Vicem phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước mà doanh nghiệp này đang quản lý, sử dụng.

Báo cáo lên Thủ tướng, Bộ Xây dựng đề cập đến nội dung báo chí phản ánh liên quan đến việc Vicem đề xuất thay đổi sắp xếp lại, xử lý đối với 3 cơ sở nhà đất: lô 10E6 Phạm Hùng thuộc dự án trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (Hà Nội); dự án khu tổng hợp Vĩnh Tuy tại ngõ 122 Vĩnh Tuy (Hà Nội); dự án nhà máy kết cấu bê tông vật liệu xây dựng không nung Đông Hồi thuộc khu công nghiệp Đông Hồi (Nghệ An).

Đối với lô đất 10E6 Phạm Hùng thuộc Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem (Hà Nội), theo Bộ Xây dựng, phương án sắp xếp, xử lí nhà đất tại khu đất 10E6 Phạm Hùng đã được Bộ phê duyệt tại quyết định 659 (ngày 9/6/2015). Theo đó, Vicem được giữ lại, tiếp tục quản lí, sử dụng để thực hiện dự án.

Tuy nhiên, sau khi rà soát tổng thể, Vicem nhận thấy việc tiếp tục bỏ vốn để thực hiện Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem, các chỉ tiêu tài chính thực sự không còn hiệu quả.

Bên cạnh đó, theo phê duyệt trước đây, Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem ngoài chức năng là trụ sở điều hành, một phần còn lại sẽ được khai thác, kinh doanh mặt bằng cho thuê văn phòng.

Tuy nhiên, theo Đề án tái cơ cấu Vicem giai đoạn 2019 – 2025 đã được Bộ Xây dựng phê duyệt doanh nghiệp cần tập trung vào lĩnh vực chính là kinh doanh, sản xuất xi măng, còn phát triển bất động sản không thuộc thế mạnh của Tổng công ty.

Với những lí do trên, tháng 11/2019, Vicem đã đề xuất Bộ Xây dựng điều chỉnh từ hình thức “tiếp tục quản lý, sử dụng để thực hiện dự án xây dựng Trung tâm Điều hành và giao dịch Vicem” sang hình thức "Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất" theo quy định của Chính phủ.

Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch VICEM được xây dựng tại lô 10E6, Khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội, với chức năng làm trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê và kinh doanh thương mại

Tại dự án khu tổng hợp Vĩnh Tuy tại ngõ 122 Vĩnh Tuy, tháng 1/2019, Vicem đã trình Bộ Xây dựng văn bản đề nghị được điều chỉnh lại phương án sắp xếp, xử lý cơ sở này từ hình thức “tiếp tục quản lý sử dụng để triển khai dự án khu tổng hợp Vĩnh Tuy sang hình thức cho phép Vicem được tiếp tục quản lý, sử dụng khu đất để đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh của Vicem như hiện trạng”.

Bộ Xây dựng cơ bản thống nhất với đề xuất của Vicem và đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, cho ý kiến đối với phương án xử lý, sắp xếp lại nhà đất tại khu đất này. Vicem hiện đang phối hợp với các bộ ngành và UBND TP. Hà Nội để rà soát hồ sơ pháp lý đất đai, thực hiện sắp xếp, xử lý cơ sở nhà đất này theo quy định.

Còn tại dự án nhà máy kết cấu bê tông vật liệu xây dựng không nung Đông Hồi thuộc khu công nghiệp Đông Hồi, tháng 5/2020, Vicem đã trình Bộ Xây dựng văn bản đề nghị được điều chỉnh lại phương án sắp xếp, xử lý từ hình thức “giữ lại tiếp tục quản lý, sử dụng theo quy hoạch để thực hiện dự án nhà máy kết cấu bê tông - vật liệu xây dựng không nung Đông Hồi” sang hình thức “chuyển nhượng dự án cho Vicem Hoàng Mai” để đảm bảo Vicem Hoàng Mai có địa điểm xây dựng trạm nghiền xi măng.

Bộ Xây dựng cho biết so với phương án sắp xếp đã được Bộ phê duyệt trước đây, phương án điều chỉnh hiện nay do Vicem đề xuất cơ bản lô đất tại ngõ 122 Vĩnh Tuy có sự điều chỉnh, song vẫn đề nghị Vicem được tiếp tục quản lý, sử dụng.

Riêng 2 cơ sở nhà đất còn lại, Bộ Xây dựng cho hay Vicem đề nghị được sắp xếp lại theo hình thức “bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất” và “chuyển nhượng dự án”.

Lý do phải chuyển nhượng hai lô đất này, Bộ Xây dựng nêu rõ: đối với lô đất ở Phạm Hùng, Vicem nhận thấy nếu tiếp tục dự án sẽ không hiệu quả.

Ngoài ra, theo đề án tái cơ cấu Vicem, doanh nghiệp này cần phải tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất và kinh doanh xi măng. Lĩnh vực đầu tư, phát triển kinh doanh bất động sản không thuộc về thế mạnh, ngành nghề của tổng công ty.

Bộ Xây dựng khẳng định việc sắp xếp lại xử lý nhà đất đối với 3 cơ sở nhà đất nêu trên mà Vicem đang quản lý, sử dụng để trình các cơ quan chức năng phê duyệt theo thẩm quyền trước khi lập phương án cổ phần hoá là thực hiện đúng trình tự thủ tục theo quy định.

“Tuy nhiên, phương án đề xuất hiện cũng đang trong quá trình xem xét của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, chưa được phê duyệt”, Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Bộ Xây dựng cũng nêu rõ: trường hợp phương án sắp xếp điều chỉnh đối với 2 cơ sở nhà đất ở Phạm Hùng và Đông Hồi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt với hình thức bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án như đề xuất, Vicem phải có trách nhiệm triển khai thực hiện theo đúng phương án được duyệt, tuân thủ các quy định pháp luật, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, không làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…