Buôn Ma Thuột – Thành phố cà phê của thế giới

Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk có điều kiện kết nối thuận lợi với các tỉnh Tây Nguyên, TP.HCM, các tỉnh Đông Nam bộ, và là cửa ngõ giao lưu, hợp tác trong khu vực tam giác Việt Nam - Lào - Campuchia.

Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi về địa hình, thổ nhưỡng và khí hậu, trời ban cho đất đỏ bazan trù phú, nổi tiếng với “những ly Cà Phê Buôn Ma Thuột mang hương của nắng gió vị của núi rừng”.

Buôn Mê Thuột – Thủ phủ cà phê hàng đầu thế giới.

Lịch sử hình thành cà phê Buôn Ma Thuột

Cây cà phê du nhập vào Việt Nam khá sớm (từ năm 1857) thông qua một số linh mục thừa sai người pháp. Đầu tiên là giống cà phê chè (coffee arabica) được trồng thử nghiệm tại các Nhà thờ Thiên chúa giáo ở một số tỉnh phía Bắc sau đó mới phát triển dần vào Nam Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Cà phê chè (coffee arabica) là những loại cây được đưa vào trồng thử nghiệm đầu tiên tại Buôn Ma Thuột, trước thời điểm toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập đơn vị hành chính tỉnh Đắk Lắk, vào ngày 22/11/1904. Đến những năm 1912-1914, cây cà phê chè mới thực sự ghi dấu ấn tại Buôn Ma Thuột.

Với lợi thế là một vùng đất đỏ bazan màu mỡ, có những ưu thế đặc trưng về điều kiện tự nhiên. Cao nguyên Buôn Ma Thuột không những là nơi cây cà phê sinh trưởng tốt. Mà còn tạo nên hạt cà phê chất lượng cao, hương vị khác biệt so với nhiều vùng đất khác. Chính sự khác biệt đó là yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh của cà phê Buôn Ma Thuột. Và nơi đây đã sớm trở thành “tâm điểm” của ngành cà phê toàn vùng Tây Nguyên nói riêng; Việt nam nói chung, đặc biệt là đối với cà phê vối (coffee robusta).

Ngay từ lúc thăm dò để chuẩn bị xâm chiếm Tây Nguyên, các nhà thám hiểm và truyền giáo Pháp đã sớm nhận ra vùng đất này không chỉ có vị trí địa lý chiến lược ở miền Nam Đông Dương, mà còn có những tài nguyên hết sức quý giá có thể khai thác phục vụ chính quốc, trước hết là đất và rừng.

Cao nguyên Buôn Ma Thuột không những là nơi cây cà phê sinh trưởng tốt. Mà còn tạo nên hạt cà phê chất lượng cao, hương vị khác biệt so với nhiều vùng đất khác.

Cà phê chè (coffee arabica) là những loại cây được đưa vào trồng thử nghiệm đầu tiên tại Buôn Ma Thuột, trước thời điểm toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập đơn vị hành chính tỉnh Đắk Lắk, vào ngày 22/11/1904.

Đến những năm 1912-1914, cây cà phê chè mới thực sự ghi dấu ấn tại Buôn Ma Thuột. Trong khoảng thời gian này 2 công ty nông nghiệp lớn nhất Đắk Lắk đã được chính quyền Pháp cho phép thành lập, đó là Công ty cao nguyên Đông Dương (compagnie des hauts plateaux indochinois - c.h.p.i) và Công ty nông nghiệp An Nam (compagnie agricole d'asie - CADA). Hai công ty này bao chiếm tới 30.000 ha đất, trải dài trên một vùng đất bazan rộng lớn dọc hai bên quốc lộ 21 từ Buôn Ma Thuột đến km34 đường đi Nha Trang. Với tổng số vốn đầu tư ban đầu là 66.000.000 phơ răng; trong đó diện tích cà phê trồng tập trung là 260 ha…

Theo dữ liệu từ Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay với diện tích trên 200.000 ha, sản lượng bình quân đạt trên 450.000 tấn/năm, cà phê Buôn Ma Thuột đã nổi tiếng trong và ngoài nước. Đắk Lắk xuất khẩu cà phê đi hơn 65 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới như: Nhật Bản, Châu Âu, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ....Cà phê Đắk Lắk được biết đến và ưa chuộng trên 72 quốc gia; các thị trường tiêu thụ cà phê lớn là Mỹ, Nhật Bản, EU.

Nụ cười luôn thường trực trên môi người nông dân mỗi mùa cà phê tới.

Năm 2017, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings đã chính thức công bố cà phê Buôn Ma Thuột nằm trong top 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam.

Nhờ Cây cà phê mà đời sống nhiều gia đình trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung thoát cảnh đói nghèo, đi lên làm giàu từ cà phê. Không ít thôn, xã đạt chuẩn Nông thôn mới cũng nhờ cây Cà phê.

Để giúp cây cà phê phục hồi nhanh chóng sau thu hoạch, sinh trưởng và phát triển tốt, có năng suất cao, chất lượng tốt và gia tăng thu nhập cho người trồng cà phê, bà con trồng cà phê đã phải trang bị cho mình những quy trình kỹ thuật chăm sóc cây cà phê sau thu hoạch. Từ việc tỉa cành, dọn dẹp sạch lại vườn sau thu hoạch cho tới việc bón phân, tưới nước và phòng trừ sâu bệnh.

Thưởng thức cà phê Ban Mê

Đến với Buôn Ma Thuột, mọi người sẽ được thưởng thức những ly cà phê sóng sánh có màu từ cánh gián đến nâu đậm, vị chua thanh hoà quyện với vị đắng nhẹ tự nhiên, hương thơm rất dịu dàng, hấp dẫn có thể làm ngây ngất những ai yêu cà phê. Với 100% cà phê nguyên chất cộng với công thức và bí quyết rang xay đặc biệt, cà phê ở Buôn Ma Thuột đã ghi dấu ấn trong lòng mọi người bằng hương thơm quyến rũ, vị đậm đà tuyệt diệu.

Để tạo ra được ly cà phê thơm ngon, phải trải qua rất nhiều quy trình chế biến.

Tuy xuất hiện nhiều loại thức uống mới mẻ thế nhưng cà phê luôn là sự lựa chọn hàng đầu của mọi người khi đến bất cứ quán cà phê nào ở Buôn Ma Thuột. Cà phê Buôn Ma Thuột là kiểu cà phê đặc, ly cà phê không nhiều nhưng đậm. Cà phê sữa thì đăng đắng pha chút ngọt dịu của sữa đặc nơi đầu lưỡi, hương thơm lan toả khắp các vị giác. Cà phê đen thì đắng nhẫn, đậm đà đúng điệu của cà phê, cho đá vào biến thành màu hổ phách trong trẻo, còn khi nắng vô tình chiếu rọi, màu nâu ấy lại sáng lung linh, thơm nức lòng người.

Cà phê được ví như bữa ăn sáng của người dân Buôn Ma Thuột.

Trong khí trời se lạnh, với ly cà phê Buôn Ma Thuột ấm nóng, hít hà mùi hương dịu nhẹ, tinh tế, người uống không chỉ thưởng thức cà phê mà còn thưởng thức cả hương vị đậm chất núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, cùng những tâm tình ẩn mình trong bài hát “Ly Cà Phê Ban Mê”.

Đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên

Buôn Ma Thuột là thành phố chiến lược của vùng Tây Nguyên, hội tụ các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, giàu bản sắc văn hóa, Buôn Ma Thuột đã được nhà nước đặc biệt quan tâm với nhiều chính sách đầu tư phát triển.

Buôn Ma Thuột đã được nhà nước đặc biệt quan tâm với nhiều chính sách đầu tư phát triển.

Đặc biệt, Buôn Ma Thuột được định hướng phát triển, trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên và là “Thành phố cà phê của thế giới” theo Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị.

Cùng với đó, Quốc hội đã công bố Nghị quyết số 72/2022/QH15 ngày 15/11/2022 về “Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk”. Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thực hiện từ ngày 1/1/2023 và được thực hiện trong 5 năm.

Ngoài ra, hạ tầng giao thông của Buôn Ma Thuột ngày càng được quan tâm đầu tư phát triển. Theo kế hoạch đầu tư công đã được HĐND tỉnh phê duyệt, năm 2023, tỉnh sẽ phân bổ gần 4.710 tỷ đồng cho các chương trình, công trình, dự án. Cụ thể, phân bổ nguồn ngân sách Trung ương cân đối chi xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước 905,5 tỷ đồng, tiền thu sử dụng đất 3.600 tỷ đồng, vốn từ nguồn xổ số kiến thiết 130 tỷ đồng, nguồn thu tiền bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước 20 tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương 54,4 tỷ đồng.

Tập trung đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng.

Nguồn vốn được phân bổ cho các dự án đã hoàn thành, chuyển tiếp, Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, dự án khởi công mới năm 2023 nằm trong chương trình đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, Chương trình nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chương trình giảm nghèo bền vững và hỗ trợ đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã…

Võ Hà

Có thể bạn quan tâm