Các công ty chứng khoán "khô máu" trong cuộc đua phí giao dịch

Với tệp khách hàng thu hút được nhờ Zero Fee, các công ty chứng khoán có thể triển khai thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ khác để bù đắp sự thiếu hụt nguồn thu từ môi giới. Trong đó, hoạt động đang phát triển mạnh mẽ là cho vay margin…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
purple-and-yellow-blob-3d-stock-investment-facebook-post-2-9418.jpg

"Zero Fee" (miễn phí giao dịch) là cụm từ không còn xa lạ trong ngành chứng khoán. Trong thời gian qua, để thu hút nhà đầu tư cá nhân, các công ty chứng khoán đã tích cực cạnh tranh bằng cách giảm phí giao dịch, thậm chí miễn phí giao dịch khiến mặt bằng phí giao dịch chứng khoán giảm đáng kể so với trước thời điểm trước.

CÔNG TY CHỨNG KHOÁN “ĐUA” MIỄN PHÍ GIAO DỊCH

Mới đây nhất, Công ty Chứng khoán MB (MBS) đã tung ra chính sách miễn phí giao dịch trọn đời dành cho nhà đầu tư trong năm mới. Cụ thể, chương trình miễn phí giao dịch trọn đời áp dụng đối với tất cả các khách hàng có giao dịch đầu tiên trong quý 1/2024 trên kênh MBS Online (không sử dụng dịch vụ môi giới). Ưu đãi này dành cho cả các giao dịch chứng khoán cơ sở lẫn giao dịch phái sinh. Tuy nhiên, khách hàng vẫn mất 0,027% phí trả Sở Giao dịch theo quy định.

Không đứng ngoài cuộc đua, ngay từ đầu năm 2024, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) đã “chạy” nhiều chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng. Trong đó, khách hàng mở tài khoản mới trong quý 1/2024 sẽ được tham gia chương trình Zero Fee - Không phí giao dịch.

Cụ thể, tất cả khách hàng khi mở mới tài khoản bằng hình thức online hay offline nhưng không chọn môi giới quản lý tài khoản sẽ được hưởng chính sách ưu đãi Zero Fee - Không phí giao dịch (không bao gồm phí trả Sở Giao dịch 0,027% theo quy định).

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Pinetree cũng miễn phí giao dịch trọn đời cho toàn bộ nhà đầu tư. Trên nền tảng giao dịch của Pinetree, nhà đầu tư sẽ không mất bất cứ khoản phí nào cho mỗi lần mua, bán và rút tiền chứng khoán.

Trong năm vừa qua, đường đua "zero-fee" của ngành chứng khoán trở nên sôi động hơn bao giờ hết khi loạt "ông lớn" gồm Chứng khoán Techcombank (TCBS) chính thức miễn phí không xác định thời gian các hoạt động đầu tư chứng khoán bao gồm cổ phiếu, phái sinh, chứng quyền và chứng chỉ quỹ niêm yết.

Hay Chứng khoán SSI cũng tung ưu đãi miễn phí giao dịch 90 ngày (từ 15/5/2023 đến 15/8/2023) cho các tài khoản mở mới. Nhiều công ty chứng khoán khác cũng đang áp dụng zero fee, như JBSV và AIS…

Cuộc cạnh tranh chuyển từ hạ phí sang miễn phí giao dịch nhằm thu hút khách hàng trở nên nóng hơn bao giờ hết, nhưng đi kèm với đó, nguồn thu chủ lực từ môi giới cũng bị ảnh hưởng.

blue-photo-modern-listing-presentation-2-3117.png

Điển hình như TCBS, công ty chứng khoán đứng thứ 4 về thị phần môi giới năm 2023 ghi nhận doanh thu môi giới giảm 46,3% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 476,8 tỷ đồng. Trong khi chi phí môi giới lại tăng 18,8% so với năm 2022, lên mức 183,6 tỷ đồng.

Tương tự, doanh thu môi giới năm 2023 của DNSE cũng thấp hơn so với cùng kỳ, chỉ đạt 67,6 tỷ đồng, tương ứng giảm 20,3%. Ngược lại, chi phí nghiệp vụ môi giới chứng khoán tăng 49,3% lên mức 111,1 tỷ đồng khiến DNSE lỗ gộp mảng này 43,4 tỷ đồng.

Một số công ty chứng khoán khác cũng ghi nhận doanh thu môi giới sụt giảm trong năm vừa qua, như Chứng khoán MBS giảm 14,2%, đạt 614,6 tỷ đồng, Chứng khoán JBSV chỉ đạt 107,3 triệu đồng doanh thu môi giới trong năm 2023, giảm 33,3% so với cùng kỳ. Chứng khoán Pinetree cũng ghi nhận doanh thu môi giới giảm 1,8%, đạt hơn 33,3 tỷ đồng…

CÚ HÍCH TỪ CHÍNH SÁCH ZERO FEE

Những năm gần đây, “cuộc đua” giảm phí, miễn phí giao dịch khiến bảng xếp hạng thị phần môi giới chứng khoán có nhiều xáo trộn và chứng kiến sự vươn lên của nhiều gương mặt mới.

Là một trong những công ty chứng khoán áp dụng miễn, giảm phí cho nhà đầu tư mới, VPS đã trở thành công ty chứng khoán giữ vững vị trí số 1 về thị phần môi giới trên HOSE từ quý 1/2021 và duy trì vị trí này đến thời điểm hiện tại nhờ thu hút được các nhà đầu tư cá nhân, chiếm 19,06% thị phần.

Vị trí thứ 2 thuộc về Chứng khoán SSI với 10,44% thị phần, Chứng khoán VNDirect xếp vị trí thứ 3 chiếm 7,01%, không có sự thay đổi so với năm 2022.

Còn ở vị trí thứ 4, Chứng khoán Techcombank (TCBS) đã "soán vị trí" của Chứng khoán TP.HCM (HSC), nắm 6,32% thị phần. HSC đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng, chiếm 5,32% thị phần. Còn Chứng khoán Mirae Asset tụt một bậc so với năm trước, xuống thứ 6 với 5,06%.

4 vị trí còn lại lần lượt thuộc về Chứng khoán MB, Vietcap, KIS Việt Nam và Chứng khoán FPT (FPTS). Tính chung giá trị giao dịch môi giới 10 công ty này chiếm gần 70% thị phần toàn thị trường.

blue-photo-modern-listing-presentation-5-7466.png

Để miễn phí giao dịch cho khách hàng, các công ty chứng khoán sẽ phải chấp nhận hụt thu từ nguồn thu, song zero fee là một trong những chiến lược giúp các công ty chứng khoán cạnh tranh với các "ông lớn" khác trong ngành và thu hút khách hàng sử dụng thêm nhiều dịch vụ khác, trong đó nổi bật nhất là cho vay margin.

Thực tế cho thấy các công ty chứng khoán áp dụng zero fee đều ghi nhận lãi từ cho vay và phải thu năm 2023 tăng trưởng so với năm trước. Nổi bật nhất là Chứng khoán Techcombank với khoản cho vay hoạt động ký quỹ tăng gần gấp đôi so với đầu năm, đạt 16.263 tỷ đồng, từ đó thu về 1.602 tỷ đồng lãi cho vay và phải thu, tăng 6,6% so với năm 2022.

Tương tự, Chứng khoán DNSE ghi nhận dư nợ cho vay ký quỹ đạt 2.411 tỷ đồng trong năm 2023, lãi từ cho vay và phải thu tăng 28,3% so với năm 2022, lên mức 286,2 tỷ đồng.

Chứng khoán Pinetree cũng báo lãi cho vay và phải thu đạt 136,9 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Lãi từ cho vay và phải thu của Chứng khoán JBSV đạt 2,4 tỷ đồng trong năm 2023. Những con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai khi dư địa cho vay tại các công ty chứng khoán vẫn còn rất lớn.

Nhìn chung, zero fee sẽ là xu hướng trong tương lai và lợi nhuận mảng môi giới được dự báo sẽ còn bị thu hẹp. Nhận định về xu hướng này, báo cáo mới đây của Chứng khoán DSC cho rằng việc hy sinh một phần lợi nhuận mảng môi giới sẽ còn tiếp tục trong năm 2024.

Dù vậy, hoạt động môi giới vẫn đóng vai trò rất quan trọng đối với các công ty chứng khoán, đem về nhiều giá trị lớn không chỉ gói gọn trong con số lãi gộp. Môi giới góp phần xây dựng tệp khách hàng qua đó các công ty chứng khoán có thể triển khai thêm các sản phẩm, dịch vụ như tư vấn, bảo lãnh phát hành, cho vay,…

Các công ty chứng khoán sẽ phải cạnh tranh bằng các biện pháp cung cấp dịch vụ tốt hơn, đào tạo nhà đầu tư tự giao dịch… hướng tới các nguồn thu ngoài phí giao dịch.

5 năm gần đây, lợi nhuận từ mảng margin luôn đóng góp 35 - 45% vào lợi nhuận gộp của các các công ty chứng khoán. “Mảng margin sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng lợi nhuận của nhóm chứng khoán”, Chứng khoán DSC kỳ vọng.

Có thể bạn quan tâm