Tính từ đầu năm 2017 đến nay, nhiều cổ phiếu địa ốc đã tăng trưởng rất mạnh từ 30-50%, thậm chí có mã tăng tới 70-100% hoặc tăng phi mã hơn nữa nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng đột biến. Các nhà đầu tư càng hào hứng tham gia các “game” phát hành tăng vốn của các đại gia địa ốc.
Chạy đua tăng vốn
Tháng 7 vừa qua, CTCP Tập đoàn CEO (mã: CEO) đã phát hành thành công 51,5 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 50%, lên mức 1.544 tỷ đồng. Mức giá phát hành là 10.000 đồng/CP, rẻ hơn tới 20-25% so với thị giá CEO trên sàn chứng khoán cùng thời điểm, do đó giá CEO trở nên hấp dẫn giới đầu tư và nhanh chóng bán hết.
Trong đợt phát hành này, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT CEO Group đã mua thêm 13,5 triệu cổ phiếu để nâng tổng sở hữu lên 40,5 triệu đơn vị, chiếm tỷ lệ 26,23% vốn điều lệ công ty.
Với kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tăng trưởng hơn 43% về lợi nhuận, nên đợt phát hành thêm 51,5% triệu cổ phiếu của CEO Group diễn ra suôn sẻ. Nhờ đó, tập đoàn đã thu về gần 514,7 tỷ đồng để có dòng tiền triển khai các dự án lớn tại Phú Quốc, Hà Nam, Hà Nội…
Mới đây, nhóm công ty “họ F” của đại gia Trịnh Văn Quyết cũng công bố rầm rộ kế hoạch phát hành tăng vốn điều lệ tại 3 công ty, trong đó, CTCP Tập đoàn FLC (mã: FLC) dự kiến trình ĐHCĐ bất thường năm 2017 phương án phát hành gần 150 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên 7.875 tỷ đồng. Vốn thu từ đợt phát hành này được phân bổ đầu tư vào dự án cao ốc 265 Cầu Giấy (Hà Nội), dự án du lịch nghỉ dưỡng FLC Hạ Long (Quảng Ninh), và bổ sung vốn lưu động.
Lúc đầu, FLC dự kiến bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược theo hình thức thoả thuận với giá phát hành sẽ không thấp hơn 10.000 đồng/CP. Mức giá này cao hơn 30% so với thị giá FLC trên sàn chỉ quanh mức 7.000 đồng/CP nên giới đầu tư không mấy mặn mà.
Đến phút chót ngày 22/10, FLC bất ngờ thay đổi kế hoạch này bằng phương án sáp nhập với CTCP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nông sản FAM (vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng)- là một đơn vị có giao dịch nội bộ với Công ty cổ phần Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF. Đáng chú ý, FAM có hành trình tăng vốn “thần tốc” từ 100 tỷ đồng lên gấp chục lần, đạt 1.600 tỷ đồng ngay trước thời điểm công kế kế hoạch sáp nhập vào FLC.
Theo kế hoạch, FLC sẽ phát hành thêm 149,5 triệu cổ phiếu để hoán đổi toàn bộ cổ phần FAM với tỷ lệ 1:1,07. Nếu thương vụ sáp nhập thành công, FLC sẽ tăng vốn điều lệ lên 7.875 tỷ đồng và là công ty niêm yết tăng vốn “siêu tốc” trên sàn HoSE. Nhưng sau thông tin sáp nhập này, giá cổ phiếu FLC đã giảm rất mạnh và hiện chỉ còn 6.100 đồng/CP.
Tăng vốn ồ ạt, nhà đầu tư “ngậm đắng nuốt cay”
Tâm lý nhà đầu tư hào hứng, dòng tiền chảy mạnh vào kênh chứng khoán… giúp cho các doanh nghiệp địa ốc, xây dựng mạnh dạn triển khai kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ.
Năm 2017, CTCP Địa ốc Đất Xanh cũng đẩy mạnh huy động vốn đầu tư hàng loạt dự án bất động sản thông qua kênh chứng khoán. Nhờ hoạt động kinh doanh khởi sắc nên trong quý 1/2017, giá cổ phiếu DXG đã tăng mạnh tới 60% so với đầu năm, lên tới 16.000 đồng/CP. Lúc này, DXG đã quyết định phương án phát hành 14,3 triệu cổ phiếu để tạm ứng cổ tức (tỷ lệ phát hành 5%) với giá trị 143 tỷ đồng. Đồng thời, công ty thưởng cổ phiếu cho người lao động là 3 triệu cổ phiếu, tương ứng 30 tỷ đồng.
Sau thông tin chia cổ tức, giá DXG tiếp tục tăng mạnh và xác lập đỉnh của 8 năm niêm yết khi chạm mốc 21.200 đồng/CP vào giữa tháng 5/2017. Tuy nhiên, khi thị trường điều chỉnh, giá cổ phiếu DXG đã biến động trồi sụt rất mạnh, có lúc mất tới 30% thị giá, song lại hồi phục theo nhịp diễn biến thị trường. Ngày 1/11/2017, DXG đã chốt danh sách cổ đông để thực hiện phát hành 17 triệu cổ phiếu trả cổ tức.
Không chỉ chủ đầu tư dự án, mà các doanh nghiệp xây dựng lớn như Hoà Bình, Coteccons, Fecon… cũng chạy đua phát hành cổ phiếu huy động vốn thông qua hình thức chia cổ tức, thưởng cổ phiếu, chào bán cho cổ đông hiện hữu… Thực tế, trước các đợt tăng vốn này, giá cổ phiếu của HBC, DXG, FCN… đều “nổi sóng” với khối lượng khớp lệnh khủng, giá tăng trần kỷ lục, giúp cho cổ phiếu phát hành thêm trở nên hấp dẫn hơn.
Tuy vậy, một số nhà đầu tư bày tỏ lo ngại về các đợt phát hành tăng vốn ồ ạt của doanh nghiệp địa ốc khiến cho giá trị cổ phiếu bị pha loãng. Hơn nữa, giá cổ phiếu tăng trưởng quá nhanh không tương xứng với mức tăng trưởng về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp khiến cho cổ phiếu bị định giá quá cao.
Với doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh, các dự án đầu tư khả năng và đang có dòng tiền tốt thì cổ phiếu sau phát hành thêm vẫn giữ giá và tiếp tục tăng trưởng. Ngược lại, doanh nghiệp “kém” thực lực, mà liên tục "xé giấy" in tiền thì giá trị cổ phiếu càng giảm sâu. Đã có một vài trường hợp giá cổ phiếu bất ngờ tăng phi mã trước thời điểm công bố phát hành tăng vốn và sau đó lại đổ đèo giảm sâu, khiến không ít nhà đầu tư đu theo các “game” tăng vốn đã bị “cháy tài khoản”, phải ngậm đắng nuốt cay.
Hải Hà
>> FLC dự kiến phát hành gần 150 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tăng vốn lên 7.875 tỷ đồng