Mỹ mở chiến dịch “săn trứng” toàn cầu

Chính phủ Mỹ đang ráo riết "săn lùng” nguồn cung trứng từ châu Âu và nhiều quốc gia khác để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng khiến giá cả leo thang…

Mỹ mở chiến dịch “săn trứng” toàn cầu

Bộ Nông nghiệp Mỹ đã liên hệ với từ một số đối tác thương mại bao gồm Đức, Ý, Ba Lan và Thụy Điển để tìm kiếm nguồn cung trứng nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng, theo tiết lộ từ các tổ chức công nghiệp châu Âu.

Tuy nhiên, việc cung cấp trứng cho Mỹ không hề đơn giản. Điều này không phải là do căng thẳng chính trị hay các mối đe doạ thuế quan mà là bởi chính các quốc gia châu Âu cũng không có nhiều trứng dư thừa khi mà họ cũng đang chịu ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm và nhu cầu nội địa tăng cao trước dịp lễ Phục sinh.

Mỹ đã tiếp cận nông dân ở vùng Veneto miền Bắc Italy, để tìm nguồn cung trứng khẩn cấp, theo Coldiretti, một trong những tổ chức nông nghiệp lớn nhất Italy. Tuy nhiên, Italy chỉ sản xuất đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước, do đó hầu hết các nhà sản xuất trong khu vực đều từ chối đề nghị của Mỹ.

Đức cũng khó có thể giúp đỡ được khi mà ngành chăn nuôi gia cầm nội địa chỉ đáp ứng được khoảng 73% nhu cầu tiêu dùng trứng của người dân, buộc nước này phải nhập khẩu trứng từ Hà Lan hàng ngày. "Mỗi ngày, chúng tôi thu hoạch được khoảng 45 triệu quả trứng, trong khi Mỹ thiếu hụt tới khoảng 50 triệu quả trứng mỗi ngày. Điều đó cho thấy mức độ khó khăn của vấn đề này”, ông Hans-Peter Goldnick, Chủ tịch Hiệp hội Trứng Đức nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, một trong những rào cản lớn nhất là quy định về an toàn thực phẩm giữa Mỹ và EU trong việc ngăn ngừa nhiễm khuẩn salmonella. Theo quy định của Mỹ, trứng tươi phải được khử trùng và bảo quản lạnh trước khi đến tay người tiêu dùng, trong khi EU yêu cầu trứng loại A phải được bán ở trạng thái không rửa và không bảo quản lạnh lâu dài.

"Hai hệ thống này khác nhau hoàn toàn”, ông Hans-Peter Goldnick nhận xét.

Tại một số nơi ở châu Âu, người tiêu dùng vẫn quen với việc mua trứng còn dính lông hoặc phân gà, bởi theo quy định, trứng không được rửa để tránh làm mất lớp bảo vệ tự nhiên giúp trứng ít bị vi khuẩn xâm nhập hơn. Theo mô tả của ông David Karlsch, chủ trang trại gia cầm Saballus gần Berlin (Đức), người nông dân sẽ thu gom trứng từ ổ, đặt vào hộp và bán ngay tại trang trại hoặc qua máy bán hàng tự động có kiểm soát nhiệt độ.

Ông Jørgen Nyberg Larsen, Giám đốc Hiệp hội Trứng Đan Mạch cho biết các tiêu chuẩn về trứng ở châu Âu cũng phụ thuộc vào từng quốc gia. Ví dụ, ở Thụy Điển, trứng thường được rửa trước khi bán. Tuy nhiên, Thụy Điển và Na Uy đã thông báo với Mỹ rằng họ không có trứng dư để xuất khẩu.

Ba Lan, một trong những nước xuất khẩu trứng lớn, cũng đã nhận được yêu cầu từ Mỹ về nguồn cung, theo bà Katarzyna Gawrońska, Giám đốc Phòng Thương mại Gia cầm và Thức ăn Chăn nuôi Ba Lan. Các quan chức nước này hiện đang xem xét liệu có thể đáp ứng yêu cầu của Mỹ hay không, bao gồm tiêu chuẩn kiểm tra an toàn thực phẩm và tình hình dịch cúm gia cầm. Dù EU có quy định trứng thương phẩm không được rửa hoặc làm sạch, các nước thành viên có thể linh hoạt nếu họ đã cho phép rửa trứng tại nhà máy đóng gói từ nhiều năm trước.

Mới đây nhất, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng cho biết đã đạt được cam kết nhập khẩu trứng từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc, nhưng không tiết lộ số lượng hay loại trứng cụ thể. Việc nhập khẩu trứng dạng lỏng, đông lạnh hoặc sấy khô có thể giúp giảm áp lực lên nguồn cung trứng vỏ trong nước, nhưng Mỹ vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng. Ở thời điểm hiện tại, trứng nhập khẩu từ châu Âu vào Mỹ cũng chủ yếu ở dưới dạng bột trứng hoặc các sản phẩm chế biến có thể vận chuyển đông lạnh hoặc sấy khô.

Dù các cuộc đàm phán thương mại vẫn đang diễn ra, thị trường đã có dấu hiệu cải thiện. Tính đến ngày 21/3, giá bán buôn trứng loại lớn tại Mỹ hạ xuống còn 3,27 USD mỗi tá, thấp hơn một nửa so với mức đỉnh 8,15 USD vào ngày 21/2.

Người tiêu dùng Mỹ cũng mới bắt đầu thấy giá bán lẻ giảm nhẹ, nhưng nhu cầu trứng cao trong dịp lễ Phục sinh (Easter) và Lễ Vượt Qua (Passover) có thể khiến giá tăng trở lại vào tháng 4.

Chính phủ Mỹ cũng cắt giảm xuất khẩu trứng để tăng nguồn cung trong nước. Tháng trước, sản lượng trứng tại Mỹ giảm 720 triệu quả so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương mức giảm gần 10%.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Lửa chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã lan đến Phố Tàu New York

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Lửa lan tới "Phố Tàu" New York

Tuần trước, một gói bánh gạo tại cửa hàng tạp hóa Sun Vin trên phố Mulberry ở khu phố Tàu của New York có giá 4,99 USD. Nhưng sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đắt đỏ hơn nhiều. Hiện tại, loại bánh quy này có mức giá mới: 6,99 USD...

Chiến tranh thương mại lan rộng sang TikTok

Chiến tranh thương mại lan rộng sang TikTok

Các nhà sáng tạo nội dung Trung Quốc, tự xưng là đơn vị sản xuất cho hàng loạt thương hiệu xa xỉ, đã nhanh chóng tạo nên một làn sóng “trả đũa” trên TikTok khi chào bán các sản phẩm “dupe” giá rẻ như một phản ứng trước thuế quan của Mỹ đối với quốc gia này…

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Tới lượt Trung Quốc "ra tay"

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Tới lượt Trung Quốc "ra tay"

Từ Apple và Boeing đến Nike và Starbucks và cả Tesla đều đang trở thành nạn nhân trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khi Trung Quốc có những quyết định cứng rắn với hoạt động của các ông lớn này tại thị trường quan trọng nhất của họ...

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể đi đến đâu?

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể đi đến đâu?

Tổng thống Trump khơi mào cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bằng các áp đặt thuế quan, Trung Quốc cũng không ngần ngại đáp trả bằng các áp đặt thuế quan tương đương. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã bắt đầu. Câu hỏi đặt ra là cuộc chiến này sẽ đưa cả hai bên, và cả thế giới đi đến đâu?