Tại Diễn đàn “Cách mạng công nghiệp 4.0: Kinh nghiệm quốc tế và chính sách của Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho biết, Việt Nam là một nước thu nhập trung bình thấp, đang nỗ lực thực hiện công nghiệp hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
Theo báo cáo của CIEM, so với kịch bản chỉ có cải cách kinh tế (không thực hiện CMCN 4.0) thì CMCN 4.0 có thể thúc đẩy GDP Việt Nam tăng thêm 28,5-62,1 tỷ USD, tương đương mức tăng GDP từ 7-16%/năm đến năm 2030, tùy theo từng kịch bản (cao, trung bình, thấp). GDP bình quân đầu người sẽ tăng thêm 315-640 USD người vào năm 2030 nhờ tăng năng suất và tăng việc làm.
“Khoa học công nghệ luôn được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, cần sớm tiếp cận và có chính sách thúc đẩy Việt Nam tham gia CMCN 4.0.
Ông Đặng Quang Vinh, Phó Trưởng ban, Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh CIEM cho biết, các ngành công nghiệp mới của CMCN 4.0 sẽ là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam đồng thời hỗ trợ các ngành khác nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng doanh thu và phát triển các dịch vụ mới. Các ngành hưởng lợi nhiều nhất là chế biến, chế tạo, thương mại, bán lẻ, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…
Để tận dụng cơ hội này, ông Đặng Quang Vinh cho rằng, cần rà soát, sửa đổi thể chế quản lý kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh trên nền tảng số, tạo không gian thể chế cho các thử nghiệm công nghệ; đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế cho các ngành công nghiệp mới xuất hiện; nâng cao chất lượng pháp luật và thi hành phát luật về bảo vệ sở hữu trí tuệ để khuyến khích đổi mới sáng tạo…
Cùng quan điểm, TS. Matthias Kuezel, Hiệp hội kỹ sư Đức cho rằng, áp dụng CMCN 4.0 với sự số hóa các quy trình không chỉ giảm chi phí mà còn giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh. Nhân tố tạo nên thành công trong quá trình áp dụng CMCN 4.0 là việc mở ra các đối tác mới, lôi kéo sự tham gia của khách hàng qua công nghệ số; đổi mới tổ chức quản lý; đầu tư phát triển năng lực số cho đội ngũ nhân lực…
Còn theo ông Đinh Quang Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ (Bộ Thông tin và Truyền thông), cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm trọng điểm về công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông có tính chất chiến lược, tạo nền tảng, tác động lan tỏa; đồng thời, giám sát, cảnh bảo và hướng dẫn xử lý mối đe dọa, nguy cơ an toàn thông tin; nghiên cứu bảo đảm an toàn thông tin đối với các lĩnh vực có phát sinh các thách thức mới…
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì cho rằng điều quan trọng nhất là phải cải cách, tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp kinh doanh, sáng tạo, giảm chi phí không chính thức, giám sát sự can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp.