Cần đột phá “cởi” 5 nút thắt xử lý nợ xấu

Chiều tối 26/10, tại hội thảo về xử lý nợ xấu, lãnh đạo VAMC đã chỉ ra thực trạng xử lý nợ xấu đang rất gian nan, vất vả với kết quả thu hồi nợ khá khiêm tốn, chỉ được 39.200 tỷ đồng nợ xấu, chiếm tỷ
Cần đột phá “cởi” 5 nút thắt xử lý nợ xấu

Hội thảo Xử lý nợ xấu- Những nút thắt cần gỡ” do Ngân hàng Nhà nước và báo Đại biểu nhân dân tổ chức, đã thu hút sự tham gia của nhiều lãnh đạo cấp cao, đại biểu Quốc hội, các bộ ngành, ngân hàng, các chuyên gia kinh tế…

Mới xử lý thu hồi được 15% nợ xấu

Ông Nguyễn Quốc Hùng- Chủ tịch HĐTV công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) báo cáo thực trạng mua bán nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt VAMC. Tính từ năm 2013 dến nay, VACM đã thực hiện mua được 25.062 khoản nợ của 42 tổ chức tín dụng (TCTD) với tổng dư nợ gốc là 262.054 tỷ đồng. Giá mua nợ là 227.848 tỷ đồng.

Đáng chú ý, năm 2015 là năm mua nợ kỷ lục của VAMC với tổng dư nợ gốc đã mua lên tới 107.915 tỷ đồng với giá mua 99.244 tỷ đồng. Còn trong 9 tháng của năm 2016, VAMC đã mua đc 21.094 tỷ đồng nợ xấu.

Theo ông Hùng, hầu hết khoản nợ xấu đều có tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc tài sản hình thành từ vốn vay như bất động sản, xí nghiệp, khu công nghiệp, dự án, trái phiếu doanh nghiệp…

Ông Hùng cho hay, sau khi mua nợ, VAMC đã phối hợp với các TCTD để phân loại, đánh giá thực trạng khoản nợ, từ đó xây dựng phương án xử lý khối nợ 155.362 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, số dư nợ gốc cơ cấu lại của 258 khách hàng là 55.603 tỷ đồng, bán nợ 841 tỷ đồng, xử lý tài sản bảo đảm là 38.902 tỷ đồng.

Đáng chú ý, đã khởi kiện thi hành án 44.140 tỷ đồng nợ xấu. Còn số liệu nợ thu hồi được chỉ đạt 15.876 tỷ đồng. Số liệu cập nhất mới nhất tính đến ngày 22/10/2016, VAMC đã xử lý đôn đốc, thu hồi được 39.200 tỷ đồng nợ xấu, chiếm tỷ lệ 14,95% tổng khối nợ đã mua của công ty này.

“Kết quả thực hiện này cho thấy việc xử lý tài sản, thu hồi nợ xấu là vô cùng khó khăn đối với VAMC và các TCTD”- Ông Hùng nhấn mạnh. Bên cạnh việc xử lý nợ, ông Hùng cũng chia sẻ, VAMC đã tiếp xúc với 35 nhà đầu tư quốc tế và 17 nhà đầu tư trong nước, trong đó đã ký kết bảo mật thông tin với 13 nhà đầu tư quốc tế và 6 nhà đầu tư trong nước như IFC, Fulcrum, Standard Chartered Bank, Jadara Capital, Seven Seas Holding, GIC, VinaCapital, VIC…

Nhưng sau đó, các tổ chức nước ngoài không quay lại, mà lý do chủ yếu vì VAMC khi muốn bán nợ phải trao đổi lại với các TCTD chủ sở hữu nợ đó là rào cản lớn.

Những nút thắt khó khăn

Với những kết quả xử lý nợ xấu khiêm tốn của VAMC, ông Nguyễn Quốc Hùng chỉ ra 5 nút thắt – rào cản lớn nhất khiến hiệu quả hoạt động của VAMC chưa đạt như kỳ vọng. Cụ thể, nhân sự quá mỏng, vốn điều lệ ít chỉ có 2.000 tỷ đồng trong khi phải mua và xử lý hơn hai trăm nghìn tỷ nợ xấu, thiếu cơ chế thu hút nhân sự về làm việc…

Việc xử lý nợ xấu của VAMC không thể triệt để và hiệu quả nếu không có dòng tiền thực sự để hỗ trợ các TCTD, khách hàng. Theo ông Hùng, nút thắt khó nhất là Nghị định 53 quy định VAMC được phép thu giữ tài sản bảo đảm, nhưng thực tế, chưa có quy định cụ thể về cơ chế hỗ trợ cần sự phối hợp với cơ quan chức năng khác để giúp thu hồi tài sản.

“Cho dù khách hàng có đồng thuận cho ngân hàng và VAMC thu tài sản thì cũng khó để xác định giá tài sản bảo đảm khi đưa ra đấu giá. Không có sự đồng thuận vì giá trị định giá thường rất cao so với thực tế… do đó tổ chức đấu giá tới 8-10 lần mà không thành công. Mà đến khi đấu giá sát giá thị trường thì việc xử lý này đã kéo dài vài năm”- Ông Hùng nói..

Đặc biệt, khối nợ xấu lớn chủ yếu ở lĩnh vực bất động sản, song việc xử lý tài sản bảo đảm lại vướng mắc về điều kiện chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản lại đòi hỏi có sổ đỏ. Nhưng khách hàng đã khó khăn thì khó có thể làm sổ đỏ cho dự án…

Ông Hùng kiến nghị, cần tháo gỡ những nút thắt liên quan đến cơ chế chính sách, xây dựng và thông qua một đạo luật xử lý nợ xấu hoặc có Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về xử lý nợ xấu, luật này có giá trị trong thời hạn xử lý nợ xấu từ 3-5 năm.

Trường hợp chưa thể ban hành luật này thì cần thiết lập tổ liên ngành bao gồm Bộ Công An, Viện kiểm soát, Tòa án, chính quyền địa phương tham gia cùng VAMC tổ chức thực hiện. Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, vướng mắc chủ yếu nằm trong các đạo luật, nếu chờ sửa các luật thì không đủ thời gian.

Do đó, cần ban hành một đạo luật để xử lý nợ xấu, thay vì phó thác hay đổ hết lỗi cho ngân hàng gây ra nợ xấu, để rồi xử lý hình sự tràn lan về nợ xấu, từ chối sửa luật để xử lý nợ xấu, cũng không muốn dùng ngân sách để xử lý nợ xấu…

"Để ngân hàng “đơn thương độc mã” xử lý nợ xấu… thì đừng thắc mắc tại sao việc xử lý nợ xấu lại chậm, ngân hàng không đạt chuẩn quốc tế, cũng đừng bắt buộc ngân hàng phải cơ cấu lại nợ xấu, phải giảm lãi vay, cứu giúp doanh nghiệp hay chịu trách nhiệm về tăng trưởng kinh tế . Cuối cùng, không thể hy vọng doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển nhanh chóng, hiệu quả khi mà nợ xấu vẫn còn cao”- ông Đức nhấn mạnh.

Thu Hằng

Có thể bạn quan tâm