Cần rà soát chính sách thuế với doanh nghiệp FDI

Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu đãi, trong đó có các ưu đãi về thuế dành cho khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Không thể phủ nhận, các ưu đãi này đã khiến Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn vốn đầu tư nước ngoài, tạo động lực quan trọng cho phát triển và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh những mặt tích cực, việc các DN FDI nhận được nhiều ưu đãi, doanh thu “khủng” nhưng đóng góp khiêm tốn trong nghĩa vụ thuế với ngân sách Nhà nước là câu chuyện đang được bàn đến khá nhiều. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê , khu vực FDI là nơi tạo ra lợi nhuận lớn cho nền kinh tế, lớn hơn các khu vực khác còn lại bao gồm cả tư nhân và DNNN.

Cụ thể, năm 2016, khối này tạo ra hơn 327.400 tỷ đồng lợi nhuận (chiếm hơn 45,9% lợi nhuận của toàn bộ DN), tăng bình quân 17,3% giai đoạn 2010 - 2016. Tuy nhiên, các DN FDI đóng góp ngân sách Nhà nước thấp nhất trong các thành phần kinh tế với 250.900 tỷ đồng năm 2016, tăng bình quân chỉ 16,9% giai đoạn 2010 - 2016.

Thực tế, thời gian qua, chính sách thuế của Việt Nam đã có những ưu đãi lớn với các DN FDI. Đó là mức thuế suất 10% trong thời gian 15 năm liên tục kể từ năm đầu tiên DN có doanh thu, miễn thuế TNDN trong 4 năm kể từ khi kinh doanh có thu nhập chịu thuế và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Vì thế, có tình trạng một số DN FDI khi hết thời gian ưu đãi thuế đã “khăn gói” về nước.

Theo các chuyên gia kinh tế, thuế suất ở Việt Nam không phải quá cao nếu so với mức trung bình thế giới, nhưng Việt Nam miễn thuế quá nhiều, đặc biệt là cho các DN FDI. Thuế đối với DN là chi phí. Chi phí giảm thì lợi ích DN nhận được nhiều hơn. DN FDI được ưu đãi, miễn giảm thuế là không công bằng với các DN nội địa.

Vì thế, bài toán làm sao giúp DN trong nước, đặc biệt là DN tư nhân đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh dành quá nhiều ưu đãi cho khối DN FDI như hơn chục năm qua là câu chuyện cần được các cơ quan quản lý Nhà nước quan tâm để có phương án tốt nhất. Đã đến lúc phải rà soát lại chính sách ưu đãi và lựa chọn DN FDI, không chạy theo những thành tích xuất khẩu chỉ mang lại giá trị gia tăng cho nước ngoài, còn Việt Nam chỉ nhận được phần lợi ích từ gia công giá rẻ.

Chúng ta cần mạnh dạn hơn trong chính sách với DN FDI, làm sao để một mặt cải thiện nguồn thu trực tiếp cho ngân sách từ việc nâng mức đóng góp của DN FDI, mặt khác tạo môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, nuôi dưỡng nguồn thu từ sự phát triển của DN trong nước. Chính sách thuế cần có ưu đãi chọn lọc cho những DN hoạt động trong ngành, lĩnh vực khuyến khích phát triển. Đồng thời thực thi những biện pháp cứng rắn hơn nữa đối với hành vi trốn tránh thuế qua các thủ đoạn tinh vi, chống thất thu ngân sách và tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.

Có thể bạn quan tâm