Cảnh báo thuốc giả tràn lan: Người dân tự bảo vệ bằng cách nào?

Trong bối cảnh thuốc giả đang ngày càng khó phân biệt bằng mắt thường, người dân buộc phải nâng cao cảnh giác và trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình...

Thuốc giả giờ đây đã len lỏi vào cả các nhà thuốc

Không còn chỉ xuất hiện ở những nơi buôn bán trôi nổi, thuốc giả giờ đây đã len lỏi vào cả các nhà thuốc, nơi vốn được xem là điểm đến tin cậy của người dân khi chăm sóc sức khỏe. Thực trạng này đang đặt ra hồi chuông cảnh báo nghiêm trọng về mức độ tinh vi, có tổ chức của các đường dây sản xuất và phân phối thuốc giả.

THUỐC GIẢ “ẨN MÌNH” TRONG NHÀ THUỐC

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng thuốc giả, ngày 22/7, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông báo về việc phát hiện thuốc giả Theophylline extended - Release tablets 100mg (Theophyllin 100mg).

Đây là một dạng thuốc giãn phế quản, thường dùng để điều trị và ngăn ngừa các triệu chứng như khó thở, khò khè, tức ngực do hen suyễn, viêm phế quản mạn tính, khí phế thũng và các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khác.

Theo đó, đơn vị này nhận được báo cáo của Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Đồng Nai về mẫu sản phẩm có thông tin ghi trên nhãn Theophylline extended – Release tablets 100mg (Theophyllin 100mg), số lô 05089, ngày sản xuất 2/3/2022, hạn dùng 2/3/2026, nơi sản xuất Pharmacy Laboratories Plus (Warszawa). Mẫu thuốc không có thông tin về giấy đăng ký lưu hành hay số giấy phép nhập khẩu, cơ sở nhập khẩu trên nhãn.

Được biết, mẫu thuốc do đoàn kiểm tra liên ngành lấy tại Công ty TNHH MTV Phòng khám đa khoa Mỹ Anh (Nhà thuốc Mỹ Anh), địa chỉ ở tỉnh Bình Phước (cũ), nay là Đồng Nai.

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy mẫu thuốc không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu định lượng (đạt 19,71%) và chỉ tiêu độ hòa tan (đạt 18,8-22,5%) lượng ghi trên nhãn Theophylline. Do đó, Cục Quản lý Dược khẳng định đây là thuốc giả.

Cục Quản lý Dược khẳng định Theophylline extended - Release tablets 100mg tại nhà thuốc Mỹ Anh là thuốc giả

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế Đồng Nai kiểm tra, truy xuất nguồn gốc lô thuốc và xử lý nghiêm cơ sở vi phạm. Đồng thời, các Sở Y tế khác phải thông báo rộng rãi tới cơ sở kinh doanh, người dân và yêu cầu ngưng sử dụng, không lưu hành sản phẩm trên. Mọi dấu hiệu nghi ngờ thuốc giả cần được báo ngay cho cơ quan y tế hoặc công an.

Đáng chú ý, đây không phải lần đầu thuốc mang nhãn Theophylline bị phát hiện sai phạm. Vào tháng 5/2025, cơ quan chức năng Hà Nội cũng phát hiện thuốc Theophyllin extended – release tablet (Theophylline 200mg) ghi nhãn có số lô 21127, ngày sản xuất 26/2/2022, hạn dùng 26/2/2026, không in số đăng ký/số giấy phép nhập khẩu.

Mẫu thuốc được phát hiện tại Nhà thuốc An An có hàm lượng Theophylin chỉ 12,6 mg (tương ứng 6,3% so với hàm lượng ghi trên nhãn) tính theo khối lượng trung bình viên.

Tháng 12/2024, Cục Quản lý Dược cũng có thông báo các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc thông tin về thuốc giả trên nhãn ghi gồm viên nén Theophylline 200mg (Theophylin 200mg), Pharmacy Laboratories Plus (Warszawa) sản xuất, không có thông tin về số giấy đăng ký lưu hành và/hoặc số giấy phép nhập khẩu trên nhãn.

Trước đó, Theophyllin extended – release tablet (Theophylline 200mg) cũng vướng sai phạm

Bên cạnh đó, báo cáo của UBND TP.HCM tại buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội cho biết, tình trạng sản xuất và kinh doanh hàng giả diễn ra hết sức phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Đối với lĩnh vực y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, Công an TP.HCM đã phát hiện 9 vụ vi phạm pháp luật. Đặc biệt là vụ triệt phá đường dây sản xuất buôn bán thuốc chữa bệnh giả.

Trong đường dây này, cơ quan chức năng đã thu giữ 1.164 thùng thuốc thành phẩm và nguyên liệu dùng để điều trị các bệnh xương khớp, trĩ, phong ngứa, gần 1.600kg bột nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất thuốc chữa bệnh giả, hàng trăm kg nguyên liệu bao bì, nhãn hiệu, vỏ hộp thuốc các loại cùng toàn bộ dây chuyền, máy móc và nhiều vật chứng khác có liên quan.

Theo cơ quan chức năng, thuốc giả được các đối tượng đem đi tiêu thụ chủ yếu tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ thông qua các chuyến xe vận chuyển hàng hóa tuyến miền Tây – TP.HCM.

CẦN TỰ BẢO VỆ BẢN THÂN

Nhằm bảo vệ sức khỏe người dân trước thực trạng thuốc giả ngày càng tinh vi, Cục Quản lý Dược lưu ý, sau ngày 1/7, nếu mua thuốc qua mạng, người dân chỉ mua thuốc trên các trang web được cấp phép bán thuốc trực tuyến, không mua qua các nền tảng mạng xã hội hoặc người bán cá nhân không rõ danh tính.

Khi mua thuốc ở các nhà thuốc, quầy thuốc, người dân chỉ mua ở nơi được cấp phép, có uy tín và địa chỉ rõ ràng. Đặc biệt, không mua từ nguồn không rõ ràng như chợ, hàng rong hoặc qua các trang mạng xã hội, livestream...

Bên cạnh đó, người dân cần kiểm tra bao bì và thông tin trên vỏ thuốc như bao bì phải nguyên vẹn, không rách, mờ hoặc có dấu hiệu bị chỉnh sửa. Kiểm tra các thông tin như tên thuốc, số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng, số đăng ký, tên nhà sản xuất. Các thông tin này phải rõ ràng, không tẩy xóa.

Đồng thời, so sánh với bao bì chính hãng (nếu có) để phát hiện sự khác biệt về màu sắc, chữ in hoặc logo. Quan sát màu sắc, kích thước, ký hiệu trên viên thuốc, hộp thuốc. Nếu có sự khác biệt so với lần sử dụng trước hoặc so với mô tả chính hãng, tuyệt đối không nên sử dụng.

Người dân cũng có thể sử dụng ứng dụng quét mã vạch/mã QR để kiểm tra thông tin sản phẩm. Trường hợp có in mã vạch/mã QR trên vỏ hộp, mã không quét được hoặc thông tin không khớp, hãy nghi ngờ.

Để tìm hiểu thông tin từ nguồn chính thức, người dân có thể tra cứu thông tin thuốc trên website của Cục Quản lý Dược hoặc các trang web uy tín của nhà sản xuất, tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ trước khi mua. Đối với thuốc kê đơn, chỉ mua thuốc theo đơn thuốc của bác sĩ.

Người dân có thể tra cứu thông tin thuốc trên website của Cục Quản lý Dược

Về cách tra cứu thông tin giấy đăng ký lưu hành thuốc, người dân có thể tra cứu chỉ bằng 3 bước.

Bước 1: Truy cập hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Cục Quản lý Dược, mục Đăng ký thuốc, tra cứu số đăng ký, tại địa chỉ: https://dichvucong.dav.gov.vn/congbothuoc/index

Bước 2: Tra cứu giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc lưu hành tại Việt Nam, nhập thông tin thuốc cần tìm (có thể tra cứu theo tên thuốc, cơ sở sản xuất, cơ sở đăng ký, số đăng ký lưu hành thuốc…)

Chọn mục "Tra cứu số đăng ký". Điền đầy đủ thông tin gồm số đăng ký hoặc tên thuốc rồi nhấn nút "Tìm kiếm" để hiển thị kết quả.

Bước 3: Đối chiếu và kiểm tra kết quả. Hệ thống sẽ cung cấp thông tin đầy đủ về thuốc tại các cột tên thuốc, số đăng ký, dạng bào chế, hoạt chất, hàm lượng, cơ sở đăng ký, sản xuất. Xem mẫu nhãn, hướng dẫn sử dụng thuốc đã được Cục Quản lý Dược phê duyệt tại cột HDSD/mẫu nhãn.

Ngoài ra, khi mua thuốc, người dân cần yêu cầu hóa đơn mua hàng để đảm bảo nguồn gốc. Hóa đơn cũng là cơ sở để khiếu nại nếu phát hiện thuốc giả.

Theo Cục Quản lý Dược, thuốc giả thường được bán với giá rẻ bất thường để thu hút người mua. Nếu giá quá thấp so với thị trường, người dân cần cẩn trọng. Đồng thời, tránh tin vào các lời quảng cáo thần dược hoặc thuốc không rõ nguồn gốc được rao bán qua mạng hoặc truyền miệng.

Nếu phát hiện dấu hiệu thuốc giả, người dân cần báo ngay cho Sở Y tế, Cục Quản lý Dược hoặc công an địa phương để xử lý. Nếu đã mua phải thuốc giả, phải ngừng sử dụng ngay và liên hệ cơ sở y tế để được tư vấn. Việc sử dụng thuốc giả có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe.

Có thể bạn quan tâm