Nhiều trường hợp được hưởng lợi sau khi nới hỗ trợ bảo hiểm y tế

Trong thời gian tới, nhiều trường hợp sẽ được nâng mức hỗ trợ bảo hiểm y tế và có thể thanh toán bảo hiểm y tế dù chưa có thẻ/chưa xuất trình thẻ…

Nhiều trường hợp được hưởng lợi sau khi nới hỗ trợ bảo hiểm y tế

Nghị định 188/2025/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Cụ thể, từ ngày 1/7, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ từ 30% - 100% mức đóng BHYT cho nhiều nhóm đối tượng.

Trong đó, nhóm học sinh, sinh viên trên cả nước sẽ được hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng bảo hiểm y tế, thay vì 30% như trước. Như vậy, nhóm này chỉ phải đóng tối đa 52.650 đồng/tháng thay vì 73.710 đồng như trước đây, giảm hơn 21.000 đồng. Trong báo cáo đánh giá tác động chính sách, Bộ Y tế dự kiến nguồn ngân sách nhà nước tăng thêm 3.700 tỷ đồng để nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho học sinh, sinh viên.

Nghị định cũng quy định hỗ trợ tối thiểu 50% mức đóng BHYT cho các nhóm nhân viên y tế thôn, bản; cô đỡ thôn, bản, người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, người được trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” hoặc “Nghệ nhân ưu tú.

Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú ở xã nghèo. Người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại xã không thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được hỗ trợ tối thiểu 70%. Đặc biệt, thời gian hỗ trợ đối với nhóm người dân tộc thiểu số là 36 tháng kể từ thời điểm xã họ sống không còn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Mức hỗ trợ 30% được áp dụng với nhóm người làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình và một số trường hợp khác như nạn nhân bom mìn.

Ngoài ra, Nghị định 188/2025/NĐ-CP đã bổ sung quy định 5 trường hợp được thanh toán bảo hiểm y tế dù chưa có thẻ/chưa xuất trình thẻ.

Thứ nhất, khoản 2 Điều 37 (căn cứ theo Điều 70 Nghị định 188, Điều 37 có hiệu lực từ 15/8/2025) quy định, trẻ dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ BHYT nhưng có giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh thì được làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT và được quỹ BHYT thanh toán đầy đủ trong phạm vi quyền lợi như người có thẻ.

Thứ hai, khoản 3 Điều 37 nêu rõ, người đang chờ cấp lại, đổi thẻ hoặc điều chỉnh thông tin được sử dụng giấy hẹn do cơ quan bảo hiểm xã hội cấp và giấy tờ chứng minh nhân thân để khám chữa bệnh BHYT và được thanh toán theo đúng quyền lợi.

Thứ ba, khoản 1 Điều 54 (theo Điều 70 Nghị định 188, Điều 54 có hiệu lực từ 1/7/2025) quy định, người trong tình trạng mất ý thức, tử vong hoặc cấp cứu khẩn cấp chưa xuất trình được thẻ vẫn được thanh toán nếu cơ sở khám chữa bệnh xác minh được thông tin tham gia BHYT.

Thứ tư, theo khoản 1 Điều 54, người đã tham gia BHYT nhưng thẻ bị mất, sai thông tin hoặc chưa cập nhật vẫn được thanh toán sau khi xác minh đúng mã số BHYT.

Thứ năm, khoản 1 Điều 54 quy định thêm, người đã có tên trong danh sách tham gia BHYT do ngân sách nhà nước đóng, dù chưa được cấp thẻ, vẫn được thanh toán chi phí khám chữa bệnh nếu có xác nhận từ cơ quan bảo hiểm xã hội.

Để có thể được thanh toán BHYT dù chưa có thẻ, người bệnh trong các trường hợp trên cần xuất trình giấy tờ liên quan như giấy tờ tùy thân, giấy chứng sinh, giấy hẹn hoặc các tài liệu xác minh. Đồng thời, cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận được mã số BHYT hợp lệ. Việc thanh toán thực hiện theo mức hưởng BHYT tương ứng với đối tượng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm