Dù trời nắng hay nhiều mây, dù là mùa hè hay mùa đông, kem chống nắng vẫn luôn là bước chăm sóc da quan trọng mà chúng ta không nên bỏ qua. Ngay cả khi không cảm nhận rõ ánh nắng nóng rát trên da, tia cực tím (UV) vẫn có nguy cơ xâm nhập và phá huỷ các tế bào da sâu bên trong.
Việc sử dụng kem chống nắng giúp bảo vệ làn da trước tác động của tia UV, đồng thời ngăn ngừa các tổn thương do ánh nắng gây ra, dấu hiệu lão hóa sớm, ung thư da, cũng như sự xuất hiện của nếp nhăn và vết chân chim.
Hiện nay, hầu hết các thương hiệu mỹ phẩm đều cung cấp sản phẩm chống nắng, nhưng đó cũng là lý do vì sao việc chọn lựa một loại phù hợp lại càng trở nên phức tạp hơn.
Điều quan trọng bạn cần biết là có hai loại kem chống nắng chính là kem chống nắng vật lý (khoáng chất) và kem chống nắng hoá học. Cụ thể, kem chống nắng vật lý chứa các thành phần như kẽm oxit và titanium dioxide, có tác dụng phản xạ và phân tán tia UVA và UVB. Trong khi đó, kem chống nắng hoá học có chứa avobenzone và octisalate, hoạt động bằng cách hấp thụ tia UV trước khi chúng xâm nhập vào da. Một số sản phẩm có chứa oxybenzone, nhưng thành phần này đang ngày càng bị hạn chế sử dụng do khả năng gây kích ứng và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Một trong những tiêu chí đầu tiên để lựa chọn kem chống nắng là ưu tiên các sản phẩm có SPF 30 trở lên. Bởi lẽ, theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, SPF càng cao thì khả năng bảo vệ càng lớn, ví dụ như SPF 15 lọc khoảng 93% tia UVB, SPF 30 lọc 97%, SPF 50 là 98%, và SPF 100 là 99%. Ngoài ra, chọn kem chống nắng phổ rộng và có khả năng chống nước. Cụm từ “broad-spectrum" được in rõ trên bao bì có nghĩa là sản phẩm bảo vệ được da trước cả tia UVA và UVB. Tất cả kem chống nắng đều chống UVB – nguyên nhân chính gây cháy nắng và ung thư da – nhưng UVA cũng là tác nhân gây lão hóa và ung thư da.
Đừng quên kiểm tra thành phần sản phẩm. Một số hoạt chất quen thuộc bao gồm tinosorb S và M, mexoryl SX, oxybenzone, octinoxate, avobenzone, titanium dioxide, zinc oxide, PABA… Nhưng cũng cần lưu ý rằng nhiều thành phần có thể gây hại cho môi trường biển, đặc biệt là rạn san hô, như oxybenzone, octinoxate và các hợp chất nano.
Ngoài ra, hãy cân nhắc làn da của mình. Nếu bạn có làn da khô, hãy chọn sản phẩm có thành phần dưỡng ẩm như glycerin, lanolin, dầu, silicone hoặc nha đam. Với da dầu, nên tránh kem quá đặc hoặc chứa dầu. Với da nhạy cảm hay da trẻ em, chọn các công thức chuyên biệt, không gây kích ứng.
Về mặt kết cấu, kem chống nắng dạng sữa (lotion) hoặc kem trong tuýp phù hợp để bôi mặt và toàn thân. Dạng thỏi lý tưởng nhất cho vùng mặt và quanh mắt nhờ kết cấu nhẹ, không gây bóng nhờn và dễ kiểm soát trên các vùng da nhạy cảm. Dạng xịt cũng mang lại hiệu quả tương đương nếu được sử dụng đúng cách, theo kết quả kiểm định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).
Nhìn chung, miễn là sản phẩm sở hữu 3 yếu tố quan trọng là chống nắng phổ rộng (bảo vệ khỏi cả tia UVA và UVB), chỉ số SPF từ 30 trở lên và có khả năng chống nước, thì chúng đã đáp ứng được nhu cầu cơ bản.

Cần lưu ý rằng hiệu quả của kem chống nắng không chỉ phụ thuộc vào loại sản phẩm mà còn vào cách sử dụng. Do vậy, cần ghi nhớ các nguyên tắc như sau: Thoa kem chống nắng trước khi đi ra ngoài từ 15 - 30 phút bởi kem cần thời gian để ngấm vào da và phát huy tác dụng bảo vệ da dưới ánh nắng mặt trời; bôi đều lên các vùng da hở, điển hình như mặt, tai, cổ, mu bàn chân, vai và môi (hiện cũng có nhiều loại son dưỡng có chứa SPF chống nắng hiệu quả); và thoa lại kem chống nắng sau mỗi 2 giờ đồng hồ hoặc sau khi bơi, đổ nhiều mồ hôi để duy trì lớp bảo vệ suốt thời gian bạn ở bên ngoài.
Tóm lại, sản phẩm chống nắng hiệu quả là sản phẩm có SPF từ 30 trở lên, bảo vệ phổ rộng trước cả UVA và UVB, và chống nước. Bên cạnh thành phần, các yếu tố như loại da, tông da và nhu cầu bảo vệ cụ thể cũng đóng vai trò quyết định sản phẩm phù hợp nhất với bạn. Một khi đã chọn được sản phẩm phù hợp, việc duy trì sử dụng đều đặn hàng ngày là yếu tố then chốt để bảo vệ làn da khỏi các tác động có hại của ánh nắng mặt trời.