Covid-19 khiến não bộ lão hóa nhanh hơn

Theo một nghiên cứu, Covid-19 không chỉ gây ra những triệu chứng hô hấp mà còn làm tăng tốc độ lão hóa não, đặc biệt ở nam giới và những nhóm người có hoàn cảnh khó khăn...

Nghiên cứu tác động của Covid-19 làm tăng tốc độ lão hóa não
Nghiên cứu tác động của Covid-19 làm tăng tốc độ lão hóa não

Covid-19 đang để lại đủ loại di chứng cho sức khỏe của chúng ta, cả về thể chất lẫn tinh thần. Trong một nghiên cứu được công bố ngày 22/7 trên tạp chí Nature Communications, các nhà nghiên cứu báo cáo rằng việc sống sót qua đại dịch đã khiến não bộ chúng ta lão hóa - bất kể bạn có bị nhiễm Covid-19 hay không.

Theo Tạp chí Time, để nghiên cứu tác động của Covid-19 lên não bộ, các nhà nghiên cứu đã xem xét ảnh chụp não của 1.000 người trong và trước đại dịch. Họ so sánh những ảnh chụp này với ảnh chụp não của những người khác được chụp trong thời gian "bình thường" để làm mô hình cho quá trình lão hóa não bộ điển hình.

Dưới sự dẫn dắt của Ali-Reza Mohammadi-Nejad từ Đại học Nottingham, Anh, các nhà nghiên cứu đã xem xét các chỉ số như chức năng não, thể tích chất xám và chất trắng, kỹ năng nhận thức và tuổi tác của một người. Chất xám rất quan trọng đối với trí nhớ, cảm xúc và vận động, trong khi chất trắng rất cần thiết cho việc giúp các dây thần kinh truyền tín hiệu điện.

Kết quả cho thấy, não bộ thời kỳ đại dịch lão hóa nhanh hơn khoảng 5,5 tháng so với não bộ của những người được nghiên cứu trước đại dịch. Quá trình lão hóa diễn ra nhanh chóng này đã được quan sát thấy ở cả những người từng nhiễm Covid-19 lẫn những người chưa từng nhiễm, cho thấy rõ ràng ảnh hưởng của các yếu tố liên quan đến đại dịch. Bên cạnh nguyên nhân sinh học hoặc tác động trực tiếp từ virus, các yếu tố như căng thẳng kéo dài cũng có tác động. Thực tế cho thấy, những biến đổi trong chất xám và chất trắng của não bộ ở hai nhóm người này là tương đồng.

“Phát hiện này thật thú vị và khá bất ngờ”, Mohammadi-Nejad nói. Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng virus Covid-19 có thể khiến não bộ bị tổn thương nghiêm trọng hơn, nhưng “chúng tôi phát hiện ra rằng những người tham gia chỉ đơn giản là sống sót qua đại dịch, bất kể có bị nhiễm trùng hay không, cũng cho thấy dấu hiệu lão hóa não bộ diễn ra nhanh hơn một chút. Điều này nhấn mạnh rằng trải nghiệm tổng thể về đại dịch, bao gồm sự gián đoạn trong cuộc sống hàng ngày, căng thẳng, giảm tương tác xã hội, giảm hoạt động,... có thể đã có tác động đáng kể đến sức khỏe não bộ.”

Tác động của đại dịch dường như lớn hơn ở một số nhóm nhất định, đặc biệt là nam giới, người cao tuổi và những người có sức khỏe yếu hơn, trình độ học vấn và thu nhập thấp hơn, hoặc nhà ở không ổn định. Những người có công việc kém ổn định có trung bình năm tháng lão hóa não bộ lâu hơn so với những người có trình độ việc làm cao hơn, trong khi sức khỏe kém làm tăng thêm khoảng bốn tháng lão hóa não bộ so với những người có sức khỏe tốt hơn.

Tuy nhiên, chỉ những người nhiễm Covid-19 mới có biểu hiện suy giảm khả năng nhận thức.

Nhưng việc những người không bị nhiễm bệnh trong đại dịch cũng có biểu hiện lão hóa nhanh hơn phản ánh nhu cầu thừa nhận những ảnh hưởng sức khỏe rộng hơn của đại dịch, vượt ra ngoài các chỉ số thể chất hiển nhiên mà các bác sĩ thường tập trung vào.

Mohammadi-Nejad cho biết: “Sức khỏe não bộ có thể bị ảnh hưởng bởi các hoạt động thường ngày, và những xáo trộn xã hội lớn như những gì đã trải qua trong đại dịch có thể để lại dấu ấn ngay cả ở những người khỏe mạnh. Điều này càng làm rõ tầm quan trọng của việc mở rộng hiểu biết về sức khỏe cộng đồng bằng cách củng cố tầm quan trọng của việc xem xét sức khỏe tinh thần, nhận thức và xã hội bên cạnh các chỉ số sức khỏe thể chất truyền thống trong quá trình lập kế hoạch ứng phó khủng hoảng trong tương lai”.

Mặc dù nghiên cứu không khám phá những phương pháp cụ thể để giải quyết tình trạng lão hóa não bộ nhưng Mohammadi-Nejad cho biết các chiến lược được biết đến để duy trì sức khỏe não bộ. Chẳng hạn như chế độ ăn uống lành mạnh , tập thể dục, ngủ đủ giấc và các tương tác xã hội cùng nhận thức đóng vai trò rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh căng thẳng như đại dịch. "Liệu những điều này có thể đảo ngược những thay đổi cụ thể mà chúng tôi quan sát được hay không vẫn còn phải nghiên cứu", Mohammadi-Nejad nói.

Xem thêm

Cơ thể bệnh nhân đang điều trị Covid-19 thường ở trạng thái mệt mỏi, sốt nên dẫn đến biểu hiện chán ăn

Người mắc Covid nên ăn gì để tăng sức đề kháng?

Ngoài chế độ dinh dưỡng thì người mắc Covid-19 cần phải thay đổi nhiều thói quen lành mạnh để giúp cơ thể nhanh chóng trở lại bình thường như thường xuyên vận động, vệ sinh thân thể và các vận dụng xung quanh, kiểm tra thân nhiệt thường xuyên, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn...

Có thể bạn quan tâm

Biotin: Dưỡng chất nhỏ, vai trò lớn

Biotin: Dưỡng chất nhỏ, vai trò lớn

Mặc dù cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ biotin mỗi ngày, nhưng thiếu hụt chúng lại có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể nếu không được bổ sung đúng cách...

Đừng để tia UV âm thầm phá hoại làn da

Đừng để tia UV âm thầm phá hoại làn da

Việc sử dụng kem chống nắng mỗi ngày là bước chăm sóc thiết yếu giúp bảo vệ làn da khỏi tác hại của tia cực tím (UV), ngăn ngừa lão hóa sớm và nguy cơ ung thư da…