Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, thủ đoạn của chúng là rà soát lỗ hổng bảo mật, tấn công “leo thang đặc quyền”, truy cập trái phép vào hệ thống của máy chủ tại các ngân hàng để rút tiền trong tài khoản của khách hàng. Từ đó, chúng dễ dàng chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể những kẻ lừa đảo sử dụng là lợi dụng nhu cầu tìm kiếm việc làm tăng cao sau dịch Covid-19 để quảng cáo, giới thiệu việc làm tại nhà, không mất công di chuyển nhưng phải bỏ tiền tạm ứng vài trăm nghìn để nhận nguyên liệu; tuyển giúp việc theo giờ, cam kết mức tiền 50.000 đồng một giờ với yêu cầu chuyển khoản phí môi giới trước... Sau đó chúng sẽ chiếm đoạt số tiền đặt cọc.
Những kẻ lừa đảo cũng dùng dịch vụ VoIP mạo danh cán bộ trong các cơ quan thực thi pháp luật (Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Điện lực...) để gọi điện cho người dân với nội dung bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến vụ án đang giải quyết và yêu cầu người người dân chuyển một số tiền lớn vào tài khoản do chúng cung cấp để phục vụ công tác điều tra. Thiếu cảnh giác cùng với tâm lý lo sợ liên quan cơ quan thực thi pháp luật nên đã có nhiều trường hợp chuyển tiền và bị kẻ lừa đảo chiếm đoạt...
Đối tượng còn lừa đảo thông qua hình thức kinh doanh đa cấp hoặc qua các sàn giao dịch ảo như sàn chứng khoán, vàng, ngoại tệ, bất động sản... tự lập hoặc đứng ra làm đầu mối cho sàn giao dịch nước ngoài để lôi kéo khách hàng mở tài khoản giao dịch, từ đó chiếm đoạt tiền đầu tư.
Thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng có xu hướng gia tăng, có tính chất xuyên quốc gia, gây thiệt hại lớn. Từ đầu năm đến nay, Bộ Công an đã phát hiện, xử lý 840 chuyên án, vụ việc liên quan tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng (tăng 42% so với 6 tháng cuối năm 2021); khởi tố 255 vụ án, với 185 bị can.
Trước tình hình trên, Bộ Công an đã đề nghị các ngân hàng phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an để khắc phục lỗ hổng bảo mật hệ thống quản trị máy chủ tại các ngân hàng. Hiện, cơ quan điều tra đã khởi tố một nghi phạm người Đài Loan và đang mở rộng xử lý.
Về phương án ngăn chặn, người phát ngôn Bộ Công an cho hay cơ quan này và các ngân hàng đã thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong đó có đấu tranh phòng chống tội phạm trên không gian mạng. Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp bộ phận chức năng của ngân hàng để rà soát các lỗ hổng, ngăn chặn các cuộc tấn công từ đó tìm ra các lỗ hổng để tìm ra các biện pháp bảo vệ an toàn hệ thống ngân hàng.
Trước đó, Việt Nam được đánh giá đứng trong số những nước hàng đầu Đông Nam Á bị tấn công trong lĩnh vực bảo mật về mã độc tống tiền (ransomware), mã độc ngân hàng (banking malware), mã độc macro (macro malware) và mối đe dọa email. Đặc biệt, khối ngân hàng Việt Nam là mục tiêu tấn công của tội phạm mạng. Thông tin trên được hãng bảo mật hàng đầu thế giới Trend Micro (Nhật Bản) đưa ra tại hội thảo về Bảo mật thông tin năm 2019 của Trend Micro và đối tác tại Hà Nội.
Cụ thể, Việt Nam đứng thứ nhất trong số các nước ở khu vực với 1.020 loại mã độc macro tấn công (Singapore đứng thứ hai, Malaysia đứng thứ ba). Macro là hình thức lập trình được sử dụng trong phần mềm DN như Microsoft Office nhưng bị tội phạm mạng dùng để lừa người dùng tải xuống mã độc.