Cấp điện lưới quốc gia cho Côn Đảo do đáp ứng đủ 6 tiêu chí với giá điện năng thấp nhất

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, sau khi tính toán, phương án cấp điện lưới quốc gia cho Côn Đảo được lựa chọn do đã đáp ứng đủ 6 tiêu chí với giá thành điện năng thấp nhất…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trong phiên họp sáng nay
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trong phiên họp sáng nay

Sáng 16/1, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, ngay từ đầu kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và Quốc hội đã quyết nghị bố trí vốn cho EVN để thực hiện dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cụ thể, Chính phủ đã trình Quốc hội phân bổ 2.526 tỷ đồng trong tổng số vốn 37.303 tỷ đồng cho EVN để thực hiện dự án.

Tuy nhiên, việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án chậm do quá trình lựa chọn phương án cấp điện cần nhiều thời gian, phải đo đạc, khảo sát, tính toán lựa chọn phương án tối ưu nhất. Đến tháng 6 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, do đó toàn bộ số vốn dự kiến giao cho EVN đã chuyển về dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương là cơ quan quyết định đầu tư dự án, EVN là chủ đầu tư. Việc đầu tư cho dự án với mục tiêu cấp điện ổn định và an toàn cho lưới điện trên đảo, đáp ứng các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Côn Đảo, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo đảm chủ quyền biển đảo quốc gia là cần thiết.

Cơ sở để lựa chọn phương án cấp điện cho dự án đã được Bộ Công Thương, EVN và Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tính toán, đề xuất 5 phương án cấp điện cho huyện Côn Đảo, đưa ra 6 tiêu chí để đánh giá từng phương án. Phương án cấp lưới điện quốc gia được lựa chọn do đáp ứng đủ 6 tiêu chí với giá thành điện năng thấp nhất.

Về cơ chế giao kế hoạch, EVN không phải là đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao trực tiếp dự toán ngân sách nhà nước. Đồng thời, theo quy định tại điều 82 Luật Đầu tư công thì Bộ Công Thương sẽ là cơ quan tổ chức lập kế hoạch đầu tư công, đăng ký và giao kế hoạch đầu tư công đối với dự án.

Căn cứ quy định nêu trên, vốn ngân sách trung ương bố trí để thực hiện dự án giao cho Bộ Công Thương triển khai. Bộ Công Thương giao cho đơn vị trực thuộc, tổ chức đấu thầu theo quy định (với hình thức này, dự án sử dụng 100% vốn ngân sách trung ương).

Nếu theo phương án giao Bộ Công Thương thì số vốn còn thiếu so với tổng mức đầu tư là gần 2.424 tỷ đồng chưa có nguồn để cân đối cho dự án. Bên cạnh đó, EVN không phải là đơn vị trực thuộc Bộ Công thương nên Bộ Công thương không thể phân bổ, giao vốn cho EVN. Như vậy, dự án sẽ không triển khai được ngay trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, dự án có tính chất đặc thù, vừa sử dụng vốn ngân sách trung ương vừa sử dụng vốn tự có của EVN. Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, cần xem xét, báo cáo Quốc hội để cho cơ chế giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương của dự án cho EVN.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách thống nhất báo cáo Quốc hội xem xét việc giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương của dự án cho EVN. Đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, giao cho EVN là cơ quan quyết định đầu tư dự án.

Ngoài ra, Uỷ ban Tài chính, Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ rà soát việc tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục và thứ tự ưu tiên phân bổ vốn theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm