Nguyễn Tiến Thịnh (còn được biết với cái tên Alex Thịnh), là chuyên gia rượu vang, Giám đốc đào tạo Công ty Nhập khẩu rượu vang Đa Lộc. Anh sinh năm 1978, quê Quỳnh Dị, Hoàng Mai, Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, Khoa Tiếng Pháp, anh có 8 năm làm việc (chủ yếu là phụ trách ẩm thực) ở các khách sạn 5 sao tại Hà Nội (Sofitel Metropole, Hilton Hanoi Opera và Sofitel Plaza) từ năm 2002- 2010; 4 năm làm việc tại khách sạn 5 sao ở Macao (Trung Quốc) từ 2011-2014.
Điều đặc biệt, người con đến từ quê biển Nghệ An từng đạt giải nhì Sommelier Ma cao 2013, giải Nhất cuộc thi “Người phục vụ rượu vang Pháp giỏi nhất Việt Nam 2015” (The Best Vietnamese Sommelier Competition); giải Ba cuộc thi “Người phục vụ rượu giỏi nhất khu vực Đông Nam Á + Đài Loan 2015” (The Best Southeast Asia + Taiwan’s Sommelier Competition in 2015” tại BangKok, Thái Lan.
Xuất thân từ một làng quê miền Trung, nơi quanh năm gắn với những cánh đồng muối trắng và vị nước mắm mặn mòi, điều gì đã khiến anh gắn bó với rượu vang và trở thành một chuyên gia rượu vang như hiện nay, thưa anh?
Tôi là người con làng nước mắm tại Quỳnh Dị, Hoàng Mai, Nghệ An. Từ nhỏ, tôi đã quen với việc “nếm và ngửi” nước mắm như bất cứ đứa trẻ quê Quỳnh Dị nào. Nhưng để chuyển từ việc “nếm và ngửi nước mắm” sang “nếm và ngửi rượu vang” là cả một quá trình dài phấn đấu của tôi.
Có lẽ, khởi duyên cho việc gắn bó và trở thành chuyên gia rượu vang chính là vào năm học lớp 6, người chị họ học Đại học Ngoại ngữ về quê dịp hè đã dạy cho một vài đứa trẻ, trong đó có tôi biết về tiếng Pháp. Mặc dù thời gian chị họ dạy cho tôi không nhiều nhưng tôi thấy yêu tiếng Pháp vô cùng và say mê luôn văn hóa Pháp. Với niềm say mê đó, tôi đã quyết thi đậu vào khoa Tiếng Pháp trường Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội.
Ra trường, biết rằng ngành học của mình khó có thể xin việc ở quê nên tôi cố bám trụ lại Hà Nội, chấp nhận làm bất cứ công việc gì để không phải xin tiền bố mẹ như làm thuê cho quán bia, đi đưa hàng cho các cơ sở kinh doanh....
Xếp cái bằng đại học lại với bao nỗi ngậm ngùi, cứ nghĩ mình đam mê với Tiếng Pháp đến thế mà cuối cùng lại phải từ bỏ. Nhưng không! Khi tôi xin được việc tại một trong những khách sạn lớn ở Hà Nội, với vốn từ tiếng Pháp lưu loát nên tôi được đào tạo về ẩm thực, được học về rượu vang. Và vì chăm chỉ, chịu khó, nên tôi được chọn đi tham quan những cánh đồng nho, tới những hầm rượu vang trứ danh và học cách nếm thử rượu vang... tại Pháp. Chuyến đi ấy như một bước ngoặt lớn đối với cuộc đời tôi khi trong đầu luôn suy nghĩ, tại sao người ta ngửi, nếm rượu vang lại có thể phân biệt được loại rượu, độ rượu...còn mình lại chỉ thấy “chát chát” (vang đỏ) hoặc “chua chua” (vang trắng). Chính vì thế, khoảng năm 2008, tôi bắt đầu tìm hiểu và...say mê vang từ đó.
Để có được thành công trong lĩnh vực khá khác biệt này, anh đã phải đối mặt với những khó khăn và thách thức đặc biệt nào, thưa anh?
Khó khăn nhất đối với tôi khi đó là kinh phí vì muốn hiểu biết về nghề phải có sự trải nghiệm khi đi thăm các vùng trồng nho, sản xuất rượu nho...mà những nơi sản xuất rượu nho thường nằm ở nước ngoài.
Khó khăn nữa là tôi bắt đầu vào nghề khi nó chưa phát triển nên không nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Tại thời điểm đó ở Việt Nam chưa có một trường, lớp nào đào tạo về nghề này. Con đường tôi đi còn quá mới mẻ, lạ lẫm so với nhiều người.
Trong suốt buổi nói chuyện, tôi có thể thấy sự “say nghề” trong anh. Nguyên nhân nào làm anh say nghề như vậy, thưa anh?
Ban đầu tôi cũng chưa thực sự có niềm đam mê với nó. Tuy nhiên càng tìm hiểu, càng khám phá, tình yêu và niềm đam mê về rượu vang càng lớn dần trong tôi. Chẳng thế mà người ta nói: “Rượu vang là thứ thức uống kì diệu mà Chúa ban tặng cho loài người”. Mỗi chai vang được ví như một bản nhạc, nó rất đa dạng và phong phú để chúng ta khám phá về hương vị của từng giống nho, từng vùng đất, từng độ tuổi... Chính vì vậy, việc khám phá rượu vang là một việc không bao giờ kết thúc đối với tôi.
Lời khuyên của anh đối với các bạn trẻ đang muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực này, thưa anh?
Trước hết các bạn trẻ phải xác định được đây là một nghề không hề dễ dàng để thành công. Khi muốn theo đuổi nghề này, điều đầu tiên phải có niềm đam mê, tính kiên trì, nhẫn nại, phải chịu khó tìm hiểu cũng như trải nghiệm và không ngừng trau dồi kiến thức. Ngoài ra, các bạn phải thông thạo ít nhất một thứ tiếng ngoại ngữ, tốt nhất có thể là tiếng Anh hoặc tiếng Pháp để có thể tiếp cận nhiều hơn các tài liệu chuyên nghành.
Bên cạnh đó, các bạn có thể tham gia vào các khóa học đào tạo để nâng cao kĩ năng trong nghề. Và một điều quan trọng nữa đó chính là vấn đề tài chính nếu các bạn muốn bứt phá xa hơn.
Xin cảm ơn anh!