CEO OpenAI doạ rời khỏi thị trường EU

CEO OpenAI cho biết công ty có thể cân nhắc rời khỏi châu Âu nếu không thể tuân thủ các quy định về trí tuệ nhân tạo sắp tới của Liên minh châu Âu (EU)...

CEO OpenAI Sam Altman đã dành cả tuần qua để đi khắp châu Âu, gặp gỡ các chính trị gia hàng đầu ở Pháp, Tây Ban Nha, Ba Lan, Đức và Anh để thảo luận về tương lai của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và tiến trình của ChatGPT.

Hơn sáu tháng sau khi OpenAI công bố chatbot ChatGPT với thế giới, những lo ngại xung quanh rủi ro tiềm ẩn của công cụ AI này đã gây ra nhiều tranh cãi trên khắp các cơ quan quản lý.

CEO OpenAI
CEO OpenAI có thể rời khỏi EU nếu bị kiểm soát quá mức.

Tại Brussels, Bỉ, các lãnh đạo châu Âu đang thúc đẩy một dự luật AI của riêng mình. Đây có thể là bộ quy tắc đầu tiên trên toàn cầu để quản lý trí tuệ nhân tạo.

CEO Sam Altman cho biết, trước khi xem xét rút lui, OpenAI sẽ cố gắng tuân thủ quy định ở châu Âu khi nó được thiết lập.

"Dự thảo hiện tại của Đạo luật AI của EU có thể sẽ đòi hỏi quá mức, nhưng chúng tôi nghe nói rằng nó sẽ bị rút lại", ông nói với Reuters.

Các nghị sĩ EU đã đạt được sự đồng thuận chung về dự thảo của đạo luật vào đầu tháng này. Bây giờ, nó sẽ được đưa ra tranh luận giữa các đại diện của Nghị viện, Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu để đưa ra các chi tiết cuối cùng của dự luật.

“Có rất nhiều điều họ có thể làm như thay đổi định nghĩa về các hệ thống AI có mục đích chung", CEO OpenAI nói.

Hệ thống AI có mục đích chung là một danh mục được các nhà lập pháp đề xuất để giải thích cho các công cụ AI có nhiều ứng dụng, chẳng hạn như các mô hình AI tổng quát như ChatGPT của OpenAI do Microsoft hậu thuẫn.

Chưa tính đến Đạo luật AI của EU, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) còn phải tuân thủ Quy định bảo vệ dữ liệu chung của EU (GDPR). Đây là chế độ bảo vệ dữ liệu nghiêm ngặt nhất thế giới.

Ngoài việc minh bạch hơn về các hoạt động dữ liệu của mình, OpenAI sẽ phải chỉ ra rằng đang sử dụng một trong hai cách hợp pháp có thể để thu thập dữ liệu huấn luyện cho các thuật toán của mình: Sự đồng ý hoặc “lợi ích hợp pháp”.

Dường như OpenAI sẽ không thể lập luận rằng đã nhận được sự đồng ý từ mọi người khi công ty thu thập dữ liệu của họ. Điều đó dẫn đến OpenAI sẽ lập luận rằng OpenAI có “lợi ích hợp pháp” khi làm như vậy. Lilian Edwards, giáo sư luật internet tại Đại học Newcastle (Anh), nói việc này có thể sẽ đòi hỏi OpenAI đưa ra một trường hợp thuyết phục trước các cơ quan quản lý về tầm quan trọng thực sự của ChatGPT để biện minh cho việc thu thập dữ liệu mà không có sự đồng ý.

Hôm 25/5, OpenAI dự kiến sẽ thảo luận chi tiết hơn về cách quản lý AI, trong bối cảnh ông Altman có lịch trình bận rộn với các cuộc họp với các nhà lãnh đạo thế giới như Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Đến tháng 2, ChatGPT đã lập kỷ lục về số người dùng tăng trưởng nhanh nhất so với bất kỳ ứng dụng dành cho người tiêu dùng nào trong lịch sử.

OpenAI lần đầu xung đột với các cơ quan quản lý vào tháng 3, khi cơ quan quản lý dữ liệu Garante của Italy đóng cửa ứng dụng trong nước, cáo buộc OpenAI vi phạm những quy định về quyền riêng tư của châu Âu. ChatGPT đã hoạt động trở lại sau khi công ty này đưa ra các biện pháp bảo mật mới cho người dùng.

Trong khi đó, các nhà lập pháp EU đã bổ sung các đề xuất mới vào Đạo luật AI của khối.

Các nghị sĩ EU đã nhất trí về dự thảo của đạo luật vào đầu tháng 5. Các quốc gia thành viên, Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu sẽ đưa ra những chi tiết cuối cùng của dự luật.

Thông qua Hội đồng châu Âu, các quốc gia thành viên riêng lẻ như Pháp hoặc Ba Lan cũng có thể tìm kiếm các sửa đổi trước khi dự luật được thông qua vào cuối năm nay.

Có thể bạn quan tâm