CEO Standard Chartered: Cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt nền kinh tế bền vững

Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam đã có buổi trò chuyện với Tạp chí Thương Gia về hoạt động của ngân hàng tại Việt Nam và cách mà “nữ nhạc trưởng” đã lãnh đạo ngân hàng vượt qua các thử thách và khó khăn trong thời gian qua...

z5282020918076-b043003b328b03aebb755fe0a8034576-589.jpg

Nối tiếp không khí hào hứng lễ kỉ niệm 120 năm hoạt động tại Việt Nam vào ngày 19/3 tại Hà Nội và 21/3 tại TP.HCM vừa qua, bà Michele Wee, Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam đã có buổi trò chuyện, chia sẻ với Tạp chí Thương gia về các hoạt động của ngân hàng tại Việt Nam và cách mà “nữ nhạc trưởng” lãnh đạo ngân hàng vượt qua các thử thách trong thời gian qua...

Thưa bà, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua những chuyển biến đáng kể trong thế kỷ qua. Vậy, ngân hàng Standard Chartered đã có những chiến lược và hoạt động như thế nào để theo kịp những thay đổi này?

Có ba yếu tố quan trọng mà ngân hàng Standard Chartered Việt Nam luôn chú trọng. Một trong số đó là tăng tốc giảm phát thải bằng 0 và phát triển bền vững. Chúng tôi mong muốn dẫn đầu và cam kết thúc đẩy sự phát triển bền vững tại Việt Nam.

Chúng tôi tin rằng tài chính bền vững sẽ là trụ cột quyết định trong thập kỷ mới và thúc đẩy những thay đổi cần thiết. Sự xuất hiện bất ngờ của đại dịch Covid-19 càng nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của tài chính bền vững đối với khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu và trong nước.

Một trong những ưu tiên chính của Standard Chartered là các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) và chúng tôi mong muốn chung tay hợp tác với các khách hàng để thúc đẩy doanh nghiệp cùng chuỗi cung ứng của họ hướng tới chuyển đổi xanh.

Standard Chartered cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025 và qua các hoạt động tài chính vào năm 2050. Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong lộ trình phát triển xanh.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung vào yếu tố con người vì chúng tôi tin vào những điều tốt đẹp xuất phát từ bên trong, một khía cạnh rất quan trọng đối với mục tiêu phát triển bền vững của ngân hàng. Chúng tôi mong muốn trở thành nơi tốt nhất để làm việc, ngân hàng tốt nhất để giao dịch và tiếp tục đầu tư vào cộng đồng nơi chúng tôi hoạt động.

Và yếu tố quan trọng để tạo ra điều này chính là đội ngũ nhân sự của chúng tôi. Ngân hàng luôn mong muốn các nhân viên được hạnh phúc, nâng cao năng lực và luôn hướng sự tập trung tới khách hàng.

Standard Chartered đã, đang và sẽ đầu tư vào việc đào tạo cũng như phát triển nhân sự nhằm đảm bảo các kỹ năng của họ luôn phù hợp với nhu cầu của khách hàng trong tương lai thông qua việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ phù hợp khi thị trường phát triển và có sự thay đổi về đặc điểm dân số. Chúng tôi luôn nỗ lực tạo ra một môi trường thực sự đa dạng và hòa nhập, nơi các đồng nghiệp có thể phát huy hết mình khi làm việc, được động viên và ghi nhận những đóng góp.

Với tư cách là một ngân hàng quốc tế, chúng tôi đặt ra các tiêu chuẩn cao trong ngành thông qua sự minh bạch, đối xử công bằng và có trách nhiệm với khách hàng, đồng thời tuân thủ các quy định do ngân hàng và cơ quan quản lý đặt ra. Chúng tôi tin vào việc thiết lập toàn cầu hóa bằng cách mang lại cho mọi người cơ hội tham gia vào nền kinh tế thế giới, để tăng trưởng có thể trở nên công bằng và cân bằng hơn.

Yếu tố cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là công nghệ. Chúng tôi dẫn đầu trong việc đầu tư đáng kể vào công nghệ. Điều này giúp chúng tôi mang đến cho khách hàng những trải nghiệm dịch vụ tốt nhất, liền mạch trong khi vẫn duy trì được cấp độ hoạt động xuất sắc, ngay cả trong giai đoạn đầy thử thách như hiện nay. Chúng tôi muốn khách hàng có thể tận hưởng dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi một cách thuận tiện nhất. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ chiến lược số hóa của Việt Nam.

Xin bà có thể chia sẻ một số thách thức lớn nhất mà Standard Chartered đã và đang đối mặt khi hoạt động ở Việt Nam và cách bà - một “nữ nhạc trưởng” giàu kinh nghiệm - đã vượt qua chúng để trợ giúp ngân hàng phát triển mạnh mẽ hơn?

Chỉ mới 2 năm kể từ khi Việt Nam thoát khỏi đại dịch Covid-19 và kể từ đó Việt Nam đã phục hồi một cách cực kỳ ấn tượng. Đây chính là sự kiên cường của Việt Nam. Tôi luôn hết sức ấn tượng về những gì Việt Nam có thể đạt được với sự tập trung cao độ.

Tôi đến Việt Nam để đảm nhận vai trò giám đốc điều hành vào ngày 1/2/2021. Tôi nhớ lại rằng khi làn sóng Covid-19 thứ 3 và thứ 4 “tấn công” vào năm đó, ngân hàng của chúng tôi đã phải chịu áp lực rất lớn, trong đó có hai việc mà tôi quan tâm nhất. Trước tiên, ngân hàng là một ngành thiết yếu và vẫn mở cửa xuyên suốt Covid-19, tiếp đến là sức khỏe tinh thần, sự chăm sóc và quan tâm dành cho đội ngũ 1.550 nhân viên.

Đối mặt với Covid-19, chúng tôi đã phải điều chỉnh cách làm việc khá nhiều, nhất là khi khái niệm “làm việc tại nhà” khi đó còn mới mẻ ở Việt Nam. Tất cả chúng tôi cũng phải học cách thích ứng rất nhanh thông qua các sự kiện trực tuyến để luôn giữ vững tinh thần của tổ chức và tập thể. Hậu Covid-19, gia đình Standard Chartered của chúng tôi mạnh mẽ và gắn bó hơn bao giờ hết.

Chúng tôi thúc đẩy công nghệ và sáng tạo để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ nhằm mang lại những lợi ích toàn diện cho khách hàng Việt Nam.

z5282018527920-0056daa157bc7cc4a3d5af8af18d99e2-2201.jpg
Tổng giám đốc Standard Chartered Việt Nam Michele Wee trong vai trò nhạc trưởng tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19/3/2024

Thưa bà, bà có nhận định như thế nào về cơ hội cũng như triển vọng của ngân hàng Standard Chartered khi đặt sự tập trung vào phát triển bền vững tại Việt Nam?

Tại COP26 vào tháng 11 năm 2020, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết về việc Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là một thách thức rất lớn nhưng đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam thực hiện cải cách mạnh mẽ, tái cơ cấu nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững, tăng dần tỷ trọng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo trong việc phát triển nền kinh tế đồng thời đảm bảo thực hiện tiêu chuẩn ESG.

Trong quá trình này, sự đồng hành và chia sẻ của các tổ chức quốc tế, tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài có ý nghĩa quan trọng, không chỉ ở góc độ tư vấn chính sách, chia sẻ kinh nghiệm cho các cơ quan quản lý nhà nước mà còn trong việc hỗ trợ nguồn tài chính và nguồn vốn trực tiếp cho các nhà đầu tư dự án xanh cho phát triển bền vững.

Triển vọng trung hạn của nền kinh tế Việt Nam đầy hứa hẹn nhờ những chính sách cởi mở và ổn định. Việt Nam đang lấy lại động lực phục hồi và phát triển với các triển vọng bên ngoài được cải thiện và những dấu hiệu phục hồi kinh tế vĩ mô tích cực. Với 120 năm hiện diện tại Việt Nam, ngân hàng Standard Chartered cam kết hợp tác với Chính phủ Việt Nam để đạt được một nền kinh tế bền vững.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp luôn được xem như là nền tảng trong triết lý của Standard Chartered. Ngân hàng đã có những đóng góp như thế nào cho sự phát triển xã hội và cộng đồng ở Việt Nam?

Chúng tôi tin rằng sự hòa nhập về kinh tế và xã hội sẽ mang đến cộng đồng thịnh vượng và bền vững hơn. Chương trình Futuremakers của Standard Chartered là sáng kiến toàn cầu nhằm giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện hơn. Tại Việt Nam, chúng tôi đang thực hiện nhiều dự án khác nhau nhằm hỗ trợ thế hệ tương lai học tập, tăng thu nhập và phát triển.

Chiến lược đầu tư vào thế hệ trẻ em vị thành niên và nữ thanh niên sẽ mang lại sự thịnh vượng và đa dạng hơn cho kinh tế - xã hội. Trong đó, chúng tôi đẩy mạnh cung cấp các bài học về kỹ năng sống cùng các chương trình khác nhằm giúp người tham gia gia nhập vào cộng đồng, tạo dựng mối quan hệ và có cơ hội phát triển kinh tế, giúp bảo vệ nữ giới khỏi bạo lực, tảo hôn và mang thai sớm trong các trường hợp khẩn cấp.

Goal là một dự án giáo dục của chương trình Futuremakers dành cho các trẻ em nữ đã được triển khai tại Việt Nam từ năm 2014. Được sáng lập bởi Standard Chartered cùng với Hội đồng Dân số, chương trình giảng dạy Goal áp dụng cách tiếp cận toàn diện, tập trung vào việc xây dựng kỹ năng sống, tăng cường kỹ năng giao tiếp và sự tự tin thông qua hoạt động thể thao. Chúng tôi đã hợp tác với tổ chức "Football for All" tại Việt Nam để triển khai dự án Goal và mang lại lợi ích cho hàng ngàn trẻ em gái vị thành niên ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Kể từ năm 2021, chúng tôi cũng đã hỗ trợ câu lạc bộ “Brighter Path Girls’ club” dưới sự hợp tác cùng quỹ Vina Capital Foundation. Các câu lạc bộ này giúp cải thiện và trao quyền cho một số lượng lớn nữ sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn thông qua các hoạt động câu lạc bộ sau giờ học, tập trung vào bốn lỗ hổng kiến thức cốt lõi quan trọng: sức khỏe sinh sản và tình dục, xây dựng kỹ năng lãnh đạo, hiểu biết về tài chính và hiểu biết về các quyền pháp lý.

z5282019564333-041d758481ccb3a550682e417d165e48-3807.jpg

Bên cạnh đó, chúng tôi triển khai các dự án về việc làm thông qua các tổ chức quốc tế và trong nước (Aide et Action and Plan International), tổ chức cung cấp đào tạo kỹ năng nghề phù hợp với cộng đồng, các kỹ năng mềm có thể chuyển đổi như viết sơ yếu lý lịch, phỏng vấn, kỹ năng đàm phán để nâng cao khả năng cạnh tranh trong tìm kiếm việc làm. Chúng tôi cũng tổ chức các buổi tư vấn, lập kế hoạch nghề nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho việc bố trí việc làm. Các dự án đều đã đạt được thành công lớn ở nhiều tỉnh thành như Hòa Bình, Lào Cai, An Giang, Hà Nội.

Ngoài ra, dự án về khởi nghiệp của chúng tôi tại Việt Nam được thực hiện thông qua Quỹ Start-up Việt Nam, tổ chức cung cấp đào tạo kỹ năng quản lý kinh doanh phù hợp để khởi nghiệp hoặc phát triển doanh nghiệp vi mô, triển khai giáo dục tài chính cũng như hỗ trợ cố vấn và hướng dẫn thường xuyên. Dự án đã tiếp cận được 400 nữ doanh nhân có nhu cầu đẩy mạnh phát triển kinh doanh, hiểu biết về tài chính và kỹ thuật số, chủ động học hỏi lẫn nhau, tạo các cơ hội kết nối và tư vấn chiến lược.

Gần đây nhất, Standard Chartered đã hợp tác với “Dear our Community” trong dự án truyền cảm hứng và giúp giới trẻ Việt Nam hiểu được tầm quan trọng của kỹ năng xanh nhằm xây dựng một xã hội bền vững. Bản thân tôi đang tham gia tích cực với Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), Liên minh Năng lượng Toàn cầu vì Con người và Hành tinh (GEAPP) và USAID trong mạng lưới các nữ lãnh đạo cấp cao về khí hậu.

Mạng lưới này là nơi tập hợp những ý chí cam kết hành động vì khí hậu một cách có trách nhiệm. Chúng tôi cam kết tạo ra một không gian nơi các hoạt động và vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong các hành động vì khí hậu không chỉ được công nhận mà còn dẫn đầu nỗ lực thay đổi. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ vào việc đầu tư vào cộng đồng nơi chúng tôi hoạt động.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Doanh nhân Võ Thành Đàng: Đường Quảng Ngãi tăng sức cạnh tranh nhờ chuyển đổi số

Doanh nhân Võ Thành Đàng: Đường Quảng Ngãi tăng sức cạnh tranh nhờ chuyển đổi số

Là một trong những nhà máy sản xuất đường lớn nhất Việt Nam, trong những năm qua, Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS) đã tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ trong quản trị điều hành cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp tăng hiệu quả, giảm kinh phí, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm...

Kamala Harris: Người phụ nữ da màu quyền lực nhất nước Mỹ

Kamala Harris: Người phụ nữ da màu quyền lực nhất nước Mỹ

Bà Kamala Harris, Phó Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, đã trở thành biểu tượng của sự bình đẳng, công lý và tiến bộ. Trong bối cảnh chính trị hiện nay, bà Harris không chỉ là người kế thừa vị trí của Tổng thống Joe Biden mà còn là niềm hy vọng mới cho tương lai của nước Mỹ…

Soi lương các CFO hàng đầu thế giới

Soi lương các CFO hàng đầu thế giới

Lương trung bình của các Giám đốc Tài chính (CFO) đã tăng gần 8,5% vào 2023 khi các ưu đãi dựa trên cổ phiếu được các tập đoàn sử dụng nhiều hơn để giữ người thay vì một mức lương cứng cụ thể...

Sếp Amazon: Để Việt Nam bước ra toàn cầu cần có kiềng 3 chân

Sếp Amazon: Để Việt Nam bước ra toàn cầu cần có kiềng 3 chân

Để Việt Nam bước ra toàn cầu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới cần kiềng 3 chân: Năng lực sản xuất, dựa trên lợi thế các sản vật, nguyên vật liệu địa phương; kết hợp và thấm nhuần các kỹ năng online để vận hành doanh nghiệp trên môi trường TMĐT và làm thương hiệu...