Chắp cánh thương hiệu công nghệ thông tin Việt Nam ra thị trường quốc tế

Sáng ngày 13/4/2024, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) long trọng tổ chức Lễ Vinh danh và Trao Giải thưởng Sao Khuê 2024. Điểm nhấn của Sao Khuê năm nay ghi nhận 15/23 giải mảng dịch vụ số được trao cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuất khẩu cho thị trường quốc tế...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Chắp cánh thương hiệu công nghệ thông tin Việt Nam ra thị trường Quốc tế.
Chắp cánh thương hiệu công nghệ thông tin Việt Nam ra thị trường Quốc tế.

Giải thưởng Sao Khuê 2024 có sự đổi mới cơ bản về cấu trúc giải, với 57 lĩnh vực chia thành 8 nhóm gồm: Chính phủ, Chính quyền, Khu vực công; Cộng đồng và Người dân; Quản trị Doanh nghiệp; Kinh tế – Công nghiệp; Thị trường – Tiêu dùng; Hạ tầng – Công nghệ số; Đổi mới sáng tạo và Dịch vụ số.

Điều này không chỉ phản ánh kịp thời hơi thở của ngành, sự trưởng thành của các doanh nghiệp công nghệ số, của thị trường phần mềm, công nghệ thông tin Việt Nam…, mà còn kịp thời cổ vũ sức sáng tạo của doanh nghiệp, thúc đẩy thực hiện chủ trương đúng đắn của các cơ quan nhà nước, của Chính phủ.

Đặc biệt giải thưởng còn giới thiệu, khuyến nghị sử dụng, kết nối hợp tác, làm bệ phóng hiệu quả cho các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, ứng dụng phần mềm, công nghệ thông tin xuất sắc của người Việt, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số và phát triển bền vững.

Phát biểu tại lễ trao giải Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA kỳ vọng, toàn thế giới đang chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Chính phủ Việt Nam đã xác định chuyển đổi số, tăng trưởng xanh là một trong hai yếu tố cốt lõi của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trong sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, Việt Nam là quốc gia được chọn cho chiến lược phát triển sắp tới với ưu thế lớn về nhân lực và địa chính trị.

ong-nguyen-van-khoa-3435.jpg
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA phát biểu tại lễ trao giải Sao Khuê 2024.

"Những doanh nghiệp công nghệ số đang đứng trước những cơ hội rất lớn, và cũng đang cần những nỗ lực sáng tạo rất lớn, tinh thần, và quyết tâm lớn hơn nữa. Tôi kỳ vọng Sao Khuê những năm tới, sẽ được thấy những nền tảng, dịch vụ, giải pháp xuất sắc về Bán dẫn, Chuyển đổi số - xanh, tạo ra một kỳ tích phát triển mới của ngành, góp phần tạo ra kỳ tích tăng trưởng mới cho Việt Nam", ông Khoa Nhấn mạnh.

Trải qua các vòng tuyển chọn, Ban tổ chức giải đã lựa chọn 169 đề cử từ 117 doanh nghiệp, đồng thời lựa chọn 11 đề cử để trao giải thưởng Sao Khuê 2024, xếp hạng 5 sao và 10 đề cử xuất sắc nhất để trao TOP 10 Giải thưởng Sao Khuê 2024 ở các lĩnh vực gồm Chính phủ, Chính quyền, Khu vực công; Quản trị doanh nghiệp; Sản xuất công nghiệp; Nông nghiệp và chế biến thực phẩm; Ô tô (Automobile); Ngân hàng số; Fintech; Bán lẻ và phân phối; Giải trí số.

top-10-a2-5661.jpg
Các doanh nghiệp đạt TOP 10 Sao Khuê 2024 được vinh danh tại lễ trao giải.

Đặc biệt, điểm nhấn của Sao Khuê 2024 ghi nhận 15/23 giải thưởng trong mảng dịch vụ số xuất sắc được trao cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuất khẩu cho thị trường quốc tế, điều này khẳng định doanh nghiệp Việt Nam đang rất chú trọng vươn ra thị trường toàn cầu, đủ khả năng để vươn ra quốc tế.

Trao đổi với Thương Gia, đại diện Công ty TNHH phần mềm FPT chia sẻ, việc nhận được giải thưởng Sao Khuê 2024 là một niềm vui lớn đối với doanh nghiệp, điều này một lần nữa khẳng định doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam có đủ khả năng và năng lực cung cấp các sản phẩm và giải pháp về công nghệ số cho thị trường trong nước và từng bước mở rộng ra thị trường nước ngoài.

"Một minh chứng có thể kể đến đó là vừa qua, FPT đã đưa sản phẩm "MaaZ - Bộ giải pháp công nghệ toàn diện cho xe hơi", sản phẩm đạt giải Sao Khuê 2024 ra thị trường thế giới và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ doanh nghiệp nước ngoài... Tin rằng thời gian tới các doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam có thể xuất khẩu được nhiều sản phẩm ra thị trường thế giới", đại diện doanh nghiệp phần mềm FPT nói.

Top 10 Sao Khuê 2024 gồm:

1. Nền tảng làm việc số tỉnh Thừa Thiên Huế (Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế);

2. Trung tâm số điều hành sản xuất - kinh doanh (Công ty Cổ phần Bóng Đèn Phích Nước Rạng Đông);

3. Hệ thống điều hành sản xuất MES-X (VTI Solutions);

4. Hệ thống Liên kết Sản xuất Nông nghiệp (Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời);

5. MaaZ - Bộ giải pháp công nghệ toàn diện cho xe hơi (Công ty TNHH Phần mềm FPT);

6. Hệ thống Payment Hub - Trung tâm xử lý giao dịch thanh toán tập trung (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam);

7. MoMo (Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến);

8. VNPAY taxi (Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam);

9. Ứng dụng VinShop (Công ty Cổ phần One Mount Distribution);

10. Ứng dụng FPT Play (Công ty Cổ phần Viễn thông FPT).

Có thể bạn quan tâm