Đặc biệt, cần chú ý những lỗi văn bản tưởng như vô hại, bởi rất có thể đó là nguyên nhân của những vụ kiện cáo phức tạp.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Đại học Fulbright Việt Nam nhận xét, dựa vào số liệu thống kê kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ, trong 818 dòng sản phẩm mà Trung Quốc chịu thuế trừng phạt đợt này, các mặt hàng tương tự của Việt Nam xuất sang Mỹ năm 2017 chỉ có trị giá 1,2 tỷ USD và 5 tháng đầu năm 2018 chỉ có 545 triệu USD.
Vì thế, cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng gia tăng xuất khẩu sang Mỹ khi hàng Trung Quốc chịu thuế là không đáng kể. Hơn thế, vì những sản phẩm bị đánh thuế là hàng trung gian, gồm máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện vận tải…, chứ không phải hàng tiêu dùng, vì thế, nếu Trung Quốc không xuất khẩu được sang Mỹ thì cũng khó tìm đường đến châu Á, trong đó có Việt Nam (xem đồ thị).
Theo ông Thành, ngay cả trong đợt tăng thuế vừa qua khi Hoa Kỳ quyết định đánh thuế 25% lên thêm 16 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, các sản phẩm cũng tương tự như đợt 1, đó là hàng trung gian, máy móc thiết bị.
Tác động trực tiếp lên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam cũng vẫn nhỏ. Tuy nhiên, những tác hại lớn hơn từ chiến tranh thương mại lại đến từ các khía cạnh khác như tiền tệ, tâm lý, các rào cản kỹ thuật với hàng xuất nhập khẩu và cả gian lận thương mại.
Tại cuộc hội thảo mới đây do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP. HCM tổ chức, luật sư Lê Thành Kính, Giám đốc Công ty Luật Lê Nguyễn đã chia sẻ nhiều vụ việc tranh chấp và sai sót điển hình liên quan đến bộ chứng từ xuất nhập khẩu, các vụ việc làm giả toàn bộ hồ sơ xuất nhập khẩu để thông quan, làm giả hợp đồng thương mại, hóa đơn thương mại, vận đơn và thư tín dụng…
Ông Kính cho biết, bộ chứng từ xuất nhập khẩu gồm rất nhiều giấy tờ như hợp đồng thương mại, hóa đơn thương mại, vận đơn, phiếu đóng gói hàng hóa, tờ khai hải quan, tín dụng thư, chứng từ bảo hiểm, giấy chứng nhận xuất xứ, chứng thư kiểm định, các loại chứng từ khác.
Cũng cần lưu ý thêm khi làm thủ tục, hải quan sẽ để ý kỹ những thông tin trên hợp đồng như hàng hóa, tên hàng số lượng đơn giá, điều kiện cơ sở giao hàng FOB, CNF, phương thức thanh toán: T/T, D/A, L/C…
Vì vậy, khi chuẩn bị hồ sơ và lên tờ khai, doanh nghiệp cần đọc kỹ những thông tin này và nên kiểm tra chéo với những chứng từ khác (Invoice, Packing List, C/O…) để đảm bảo tính chính xác.
Những vụ việc và sai sót điển hình mà các văn phòng luật sư thường xử lý đến từ hóa đơn hay bị sai sót một số nội dung quan trọng như hóa đơn không thể hiện điều kiện giao hàng như FOB (kèm tên cảng xuất) hay CIF (kèm tên cảng nhập).
Người xuất khẩu bán hàng theo giá giao hàng (giá CIF chẳng hạn), nhưng chỉ ghi hóa đơn theo giá FOB tại nơi xếp hàng và cũng không ghi những chi phí tiếp theo sau.
Người giao hàng nước ngoài bán hàng có chiết khấu, nhưng trên hóa đơn chỉ ghi giá thực thu, mà không thể hiện số tiền chiết khấu. Các bên mô tả hàng hóa không rõ ràng, thiếu một số thông tin yêu cầu, gộp nhiều mặt hàng vào cùng một loại…
Luật sư Kính đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp cẩn thận khi lập vận đơn (B/L). Theo đó, với những người làm thủ tục hàng nhập khẩu, trong khi đọc vận đơn đường biển, cần lưu ý những nội dung quan trọng sẽ phải nhập vào tờ khai hải quan, nên đối chiếu số liệu với những chứng từ khác như Packing List, Commercial Invoice, Certificate of Origin.
Những nội dung cần lưu ý như số và ngày vận đơn, tên cảng xếp dỡ hàng, số container, số seal, số lượng và loại kiện, trọng lượng toàn bộ. Còn với hàng xuất khẩu, cần kiểm tra B/L kỹ lưỡng từ bản nháp để có thể phát hiện sai sót. Nếu phải sửa chữa nội dung B/L thì cần làm sớm, tránh phát sinh phí sửa đơn mà hãng tài có thể áp dụng.
Liên quan đến thư tín dụng (L/C), các luật sư cũng cảnh báo tình trạng khá phổ biến là doanh nghiệp xuất nhập khẩu thiếu hiểu biết sâu sắc về giao dịch bằng L/C, cũng như các văn bản pháp luật quốc tế liên quan điều chỉnh về vấn đề thanh toán quốc tế và mua bán hàng hóa quốc tế…
Trong doanh nghiệp xuất nhập khẩu thường không có bộ phận chuyên trách và quy trình giao dịch bằng L/C, hoặc có, nhưng bộ phận này yếu, thiếu kinh nghiệm và hoạt động không hiệu quả.
Trong quá trình soạn thảo L/C, doanh nghiệp xuất khẩu thường mắc phải sai sót khi lập bộ chứng từ như lỗi cẩu thả của nhân viên văn phòng, của văn thư về đánh máy, in ấn, thường được gọi là “sai lầm 3C”, gồm các lỗi như lỗi không chính xác (not correct), lỗi không hoàn chỉnh (not complete), lỗi không nhất quán (not consistant).
Theo Bùi Trinh/Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam