Chính phủ đề xuất nhiều cơ chế đặc biệt cho 2 “siêu dự án” đường Vành đai

Sáng nay (6/6), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh.
Chính phủ đề xuất nhiều cơ chế đặc biệt cho 2 “siêu dự án” đường Vành đai

Đề xuất áp dụng các nhóm cơ chế, chính sách đặc biệt

Trình bày tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc đầu tư hoàn thành 2 dự án này sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh trong vùng, phù hợp với quy hoạch giao thông quốc gia; giúp mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị; giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu.

Về phạm vi đầu tư, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long) qua địa phận TP Hà Nội (dài 58,2km); Hưng Yên (dài 19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6km và tuyến nối 9,7km).

Dự án đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh có tổng chiều dài tuyến là 76,34km (bao gồm thành phố Hồ Chí Minh 47,51km; Đồng Nai 11,26km; Bình Dương 10,76km; Long An 6,81km).

Về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật: Giải phóng mặt bằng các tuyến đường theo quy mô quy hoạch (6-8 làn xe cao tốc) và hệ thống đường đô thị song hành 2 bên. Riêng đường Vành đai 4 giải phóng mặt bằng dự trữ cho tuyến đường sắt vành đai.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư phương thức PPP được chia thành 7 dự án thành phần; tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công; riêng dự án thành phần 3 (đầu tư theo phương thức PPP): hệ thống đường cao tốc toàn tuyến và tuyến nối 9,7 km do UBND TP Hà Nội là cơ quan có thẩm quyền.

Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh hình thức đầu tư công được chia thành 8 dự án thành phần; tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương.

Đối với dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 85.813 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn BOT của nhà đầu tư để thực hiện đầu tư Dự án. Bao gồm: ngân sách nhà nước 28.173 tỷ đồng; ngân sách địa phương 28.193 tỷ đồng; vốn BOT 29.447 tỷ đồng.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Ảnh minh hoạ
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Ảnh minh hoạ

Đối với Dự án đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 75.378 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư dự án. Bao gồm: ngân sách trung ương 38.741 tỷ đồng; ngân sách địa phương 36.637 tỷ đồng. Dự kiến thời gian thực hiện 2 dự án này từ năm 2022-2027.

Với tính chất là các dự án quan trọng quốc gia, để bảo đảm tiến độ đầu tư, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai, Chính phủ đề xuất áp dụng các nhóm cơ chế, chính sách đặc biệt triển khai đầu tư dự án.

Về các cơ chế áp dụng chung cho cả 2 dự án, đối với nguồn vốn đầu tư cho phép điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2021-2025) đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải về các địa phương để thực hiện theo phương án phân bổ tương ứng các dự án; Cho phép sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương đầu tư các dự án thành phần; Cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ các nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương.

Cho phép giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong trường hợp cần thiết, cấp bách trong khoảng thời gian giữa các kỳ họp của Quốc hội.

Về cơ chế chỉ định thầu, cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện dự án đối với các gói thầu tư vấn, các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, các gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư và áp dụng trong 2 năm (2022-2023).

Về cơ chế riêng đối với Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, được phân chia Dự án thành 7 dự án thành phần và do các địa phương quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện. Trình tự, thủ tục thực hiện các dự án thành phần tương tự dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công. Giao UBND thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn Dự án. Riêng dự án thành phần 3: đầu tư hệ thống đường cao tốc toàn tuyến và tuyến nối 9,7km đi trùng đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, thực hiện theo phương thức PPP (loại hợp đồng BOT) do UBND Thành phố Hà Nội làm cơ quan có thẩm quyền được áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư, không tính chi phí giải phóng mặt bằng trong tổng mức đầu tư dự án thành phần 3.

Riêng với dự án đường Vành đai 3 - thành phố Hồ Chí Minh, sau khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tổ chức thực hiện thu phí để thu hồi vốn đầu tư Dự án cho ngân sách trung ương và ngân sách địa phương tương ứng theo phân vốn góp đầu tư. Phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Thu phí để thu hồi vốn Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh

Tại Báo cáo tóm tắt kết quả thẩm tra Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với việc phân chia các Dự án thành các dự án thành phần. Ủy ban Kinh tế kiến nghị cần cụ thể hóa trách nhiệm “đầu mối” của TP. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tại dự thảo Nghị quyết của các Dự án khi quy định pháp luật hiện hành chưa có quy định về khái niệm cũng như trách nhiệm, quyền hạn cụ thể về vai trò này.

Đồng thời, do các dự án thành phần sẽ giao các địa phương tổ chức thực hiện nên có thể dẫn đến mỗi cơ quan tổ chức một cách khác nhau, không bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất và có thể dẫn đến tăng tổng mức đầu tư của các Dự án, vì vậy Ủy ban Kinh tế đề nghị giao cho một cơ quan có năng lực, kinh nghiệm thực hiện công tác thẩm định cho các dự án thành phần của 2 dự án.

Dự án đường Vành đai 3 - thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh hoạ
Dự án đường Vành đai 3 - thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh hoạ

Ủy ban Kinh tế cũng nêu ý kiến đối với đề xuất của Chính phủ về việc Quốc hội cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư và áp dụng trong 2 năm (2022 – 2023); cho phép trong giai đoạn triển khai Dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án; việc khai thác mỏ khoáng sản được thực hiện đến khi hoàn thành Dự án...

Theo đó, Ủy ban Kinh tế nhận thấy hai cơ chế này đã được quy định tại khoản 1 và 2 Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chỉ áp dụng cho các gói dự án thuộc phạm vi Chương trình trong 2 năm (2022 - 2023). Do đó, đề nghị chỉ áp dụng các cơ chế này trong 2 năm 2022 và 2023. Một số ý kiến đề nghị áp dụng các cơ chế này trong 2 năm kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành.

Đối với cơ chế, chính sách Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, trong đó có việc cho phép phần vốn nhà nước tham gia tối đa 66% tổng mức đầu tư Dự án, Ủy ban Kinh tế cho rằng, Dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư rất lớn, do đó nếu áp dụng theo khoản 2 Điều 69 của Luật Đầu tư theo phương thức PPP sẽ không khả thi về phương án tài chính và khó thu hút được các nhà đầu tư tham gia đầu tư Dự án. Vì vậy, đa số ý kiến tán thành với đề xuất này.

Đối với cơ chế, chính sách Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Kinh tế nhất trí với chủ trương Dự án sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng cần tổ chức thực hiện thu phí để thu hồi vốn đầu tư cho Ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ trong bước nghiên cứu khả thi cần xác định chính xác tỷ lệ góp vốn Ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương đối với phần đường cao tốc để làm cơ sở xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư hoàn trả ngân sách.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...