Theo đồ án quy hoạch, hệ thống trụ sở mới này sẽ là nơi làm việc của 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc chính phủ và 6 cơ quan trung ương của các đoàn thể. Cụ thể, đồ án quy hoạch gồm hai bản quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại hai khu vực là Tây Hồ Tây và Mễ Trì. Trong đó, khu Tây Hồ Tây có diện tích 35 ha. Cụ thể bao gồm: 20,7 ha thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ và 14,3 ha tại phường Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm.
Khu Tây Hồ Tây sẽ bố trí 13 trụ sở làm việc, được xây dựng thành hình khối kiến trúc thống nhất về phía Bắc và Nam, gắn với 2 trục đường đô thị. Nơi đây sẽ thiết kế các công trình cao từ 12-25 tầng, các công trình phụ trợ, dịch vụ thương mại cao 6-34 tầng. Chính phủ thống nhất chỉ giới xây dựng lùi so với mặt đường chính là 20 m.
Theo đồ án quy hoạch, giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn chuẩn bị đầu tư; từ 2026 - 2030 sẽ thực hiện đầu tư giai đoạn 1 và chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2. Trong đó, Chính phủ sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng và đầu tư xây dựng hệ thống trụ sở các cơ quan có nhu cầu cấp thiết cần di dời giai đoạn 1 (hoàn thành trụ sở mới, di dời và bàn giao trụ sở cũ vào năm 2030) và chuẩn bị đầu tư cho giai đoạn 2.
Giai đoạn từ năm 2031 - 2035, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở các bộ ngành còn lại và các công trình công cộng liên quan.
Đối với khu Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) có quy mô 55 ha (với 43,6 ha thuộc phường Mễ Trì và 11,4 ha thuộc phường Trung Văn). Dự kiến khu vực này sẽ là trụ sở làm việc của 23 cơ quan bộ, ban ngành. Theo thiết kế, các trụ sở này sẽ cao 17-25 tầng; giáp với đại lộ Thăng Long, đường Cương Kiên và đường Lê Quang Đạo kéo dài. Các công trình dịch vụ được thiết kế cao 3-5 tầng và hệ thống tầng hầm từ 2-5 tầng.
Giai đoạn từ năm 2023 - 2025, tại khu vực Mễ Trì sẽ chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án trụ sở Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và hoàn thành đưa công trình trụ sở Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào sử dụng.
Từ năm 2026 – 2030, sẽ thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và thực hiện các công việc chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng, các cơ quan khác có nhu cầu di dời.
Giai đoạn năm 2030 về sau, Chính phủ sẽ thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng các cơ quan có nhu cầu di dời.
Ngoài ra, theo đồ án quy hoạch, đối với hệ thống các cơ sở nhà đất hiện có sau khi di dời yêu cầu phải có biện pháp quản lý tập trung. Cùng với đó giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan và UBND thành phố Hà Nội xác định phương án khai thác cụ thể cho từng cơ sở nhà đất để phục vụ hoạt động của các cơ quan trung ương, phục vụ hoạt động của thành phố Hà Nội.
Trong trường hợp, các cơ quan không có nhu cầu sử dụng làm cơ quan hành chính thì thực hiện đấu giá công khai để thu lại nguồn lực cho Nhà nước. Còn đối với cơ sở không có nhu cầu sử dụng làm cơ quan hành chính, việc chuyển đổi phải đảm bảo nguyên tắc đã được định hướng trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Đó là ưu tiên tái cấu trúc đô thị, sử dụng cho mục đích công cộng, vườn hoa, bãi đỗ xe, hạn chế việc chất tải thêm vào hạ tầng tại khu vực.