Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam: 4 kiến nghị để các chương trình hỗ trợ của Chính phủ đến gần hơn với DN

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, VCCI đã đưa ra 4 kiến nghị để các chương trình hỗ trợ của Chính phủ sớm đến với doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp do nữ làm chủ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam

Kiến nghị trên được bà Minh đưa ra tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp cộng đồng doanh nghiệp diễn ra mới đây nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).

Tại hội nghị, thay mặt đội ngũ Doanh nhân nữ Việt Nam, bà Minh đã bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với Thủ Tướng, các Phó Thủ tướng, các vị lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành vì đã vào cuộc, lắng nghe doanh nghiệp, tìm giải pháp kịp thời để tháo gỡ các khó khăn giúp doanh nghiệp khắc phục hậu quả do đại dịch COVID gây ra. Các bộ, ngành cũng chung tay cùng cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc tích cực triển khai các chương trình hỗ trợ và các gói cứu trợ của chính phủ, đặc biệt Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam...

Tuy nhiên để các chương trình hỗ trợ của Chính phủ sớm đến với doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp do nữ làm chủ và phát huy hơn nữa tiềm năng và thế mạnh của phụ nữ trong kinh doanh, nhằm đạt được mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội nói chung và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới nói riêng, bà Minh kiến nghị:

Thứ nhất, các chiến lược quốc gia trong các lĩnh vực nên hợp nhất các chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội chung của Việt Nam, đảm bảo sự thống nhất về các chỉ tiêu, là cơ sở để Chính phủ chỉ đạo đồng bộ. Ví dụ như chiến lược quốc gia về bình đẳng giới có đưa ra chỉ tiêu phấn đầu đến năm 2025 đạt 27% nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, HTX và đến 2030 là 30%, thì cũng nên đưa các chỉ tiêu này trong Chiến lược phát triển Kinh tế - Xã hội.

Thứ hai, đề nghị bổ sung định nghĩa về “Doanh nghiệp do nữ làm chủ” vào Luật Doanh nghiệp. Khi có định nghĩa, sẽ xác định đúng đối tượng thụ hưởng từ các giải pháp, chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ, của các tổ chức quốc tế dành cho đối tượng này, cũng như giúp cho công tác thống kê, báo cáo số liệu được thống nhất.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID khi phát sinh những khó khăn mới, trong đó có chính sách dành cho các DN do phụ nữ làm chủ, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ và người khuyết tật.

Thứ tư, đề nghị Chính phủ trong khả năng cân đối ngân sách quốc gia, có thể xem xét gợi ý chính sách của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) về gói hỗ trợ tiền mặt với qui mô 5% GDP quý từ nay đến cuối năm để hỗ trợ phục hồi sau đại dịch.

Có thể bạn quan tâm