Nâng cao năng lực cho doanh nhân nữ trong nền kinh tế số

Chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu và vai trò cũng như tính cần thiết của nó càng được chứng minh khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra. Tuy nhiên không ít doanh nghiệp vẫn băn khoăn trước việc nên chuyển đổi số như thế nào để thành công.

Để hỗ trợ doanh nhân nữ thích ứng với chuyển đổi số, mới đây tại Hà Nội, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức chương trình tập huấn “Nâng cao năng lực cho doanh nhân nữ trong nền kinh tế số”.

Chuyển đổi số là điều tất yếu

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch VWEC, đại dịch Covid-19 đã trở thành "cú huých lớn" khiến cho công cuộc chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nền kinh tế vật thể chuyển dịch sang nền kinh tế số. 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch VWEC
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch VWEC

Chủ tịch VWEC cho rằng, chuyển đổi số mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nói riêng: Thuận lợi trong giao dịch thương mại, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, rút ngắn khoảng cách địa lý, thời gian. Bên cạnh đó là việc giảm thiểu nhiều loại chi phí, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nền kinh tế số, xã hội số phát triển cũng sẽ góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch hơn cho các doanh nghiệp.

Bà Deborah Paul - Đại sứ Canada tại Việt Nam cho biết thêm, đại dịch ảnh hưởng nên chuyển đổi số là điều tất yếu. Qua đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhanh chóng nâng cao năng lực quản trị và phải sẵn sàng nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng số…

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW (CIEM) khẳng định, chuyển đổi số hiện nay không chỉ là xu hướng mà là điều tất yếu của các nền kinh tế trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Theo ông Cương, chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh thông qua hợp tác giữa các doanh nghiệp, mỗi phần hoặc mỗi sản phẩm sẽ được phát triển bởi một robot hoặc một lập trình viên; tăng năng suất và doanh thu thông qua việc giảm chi phí hoạt động, cải thiện về năng suất, tăng lợi nhuận.

Chuyển đổi số cũng sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất bằng việc kết nối các nhà máy thông minh, các hệ thống sản xuất để phản ứng nhanh, đúng với thay đổi của thị trường. Chuỗi giá trị bao gồm tiếp thị thông minh, hậu cần thông minh và dịch vụ khách hàng thông minh - tích hợp các mô hình kinh doanh mới trên khắp các quốc gia và các châu lục.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi số cũng sẽ giúp tăng tốc việc phát triển công nghệ cũng như các dịch vụ khách hàng tốt hơn thông qua việc thu thập phản hồi của khách hàng theo thời gian thực...

Chuyển đổi số - Nên bắt đầu từ đâu?

Ông Nguyễn Nhật Quang - Viện trưởng Viện KHCN VINASA - VSTI TS khẳng định, nên bắt đầu chuyển đổi số ngay từ bây giờ. Mọi con đường thiên lý đều bắt đầu bằng bước chân đầu tiên và chuyển đổi số là quá trình không có điểm dừng.

Trả lời cho câu hỏi tại sao phải chuyển đổi, ông Nguyễn Nhật Quang cho rằng, thế giới đang thay đổi với áp lực cạnh tranh của các loại hình doanh nghiệp mới (Uber, Grab, AirBnB), áp lực từ cạnh tranh nội ngành, áp lực từ nhu cầu của khách hàng thay đổi cũng như môi trường chính sách hay thay đổi… khiến chúng ta cần thay đổi.

Toàn cảnh buổi tập huấn về chuyển đổi số do VWEC tổ chức
Toàn cảnh buổi tập huấn về chuyển đổi số do VWEC tổ chức

Đặc biệt nhấn mạnh đến nhu cầu của khách hàng trong quá trình chuyển đổi số, tại Diễn đàn Doanh nghiệp chuyển đổi số Việt Nam 2020 với chủ đề “Thoát hiểm và bứt tốc trong Covid 19” diễn ra cuối năm ngoái do tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy phối hợp với Liên minh Invest Global tổ chức, bà Dương Thanh Tâm - Phó tổng giám đốc công ty thương mại điện tử VinCommerce, cho rằng hiện nay khách hàng gần như không lựa chọn mua hàng bởi sản phẩm, chính sách bán hàng không còn là vũ khí cạnh tranh. 

“Có hai yếu tố tạo nên sự khác biệt đó là tiện ích, trải nghiệm khách hàng trong mua sắm. Doanh nghiệp phải xác định khách hàng ở đâu, cần sản phẩm gì thì sẽ tiếp cận ở đó. Vinmart, Big C đều kinh doanh rau - thứ chúng tôi bán không phải sản phẩm khác biệt, mà khác là tiện ích, khác biệt không từ sản phẩm, mà chính là chính sách bán hàng, đó là chuyển đổi số”, bà Tâm nói.

Bà Tâm cũng khẳng định, phải chuyển đổi số vì hành trình của khách hàng thay đổi. Do đó, khách hàng phải là trung tâm của quá trình chuyển đổi số. “Doanh nghiệp luôn phải cải tiến, nhìn khách hàng để làm cảm hứng chuyển đổi số. Phải tương tác liên tục. Đừng nghĩ phải có sản phẩm hoàn thiện mới tung ra, mà phải đưa sản phẩm đơn sơ nhất, nguyên bản nhất, khi khách hàng phản hồi thì các ứng dụng công nghệ mới cải tiến”.

Trong Diễn đàn Doanh nghiệp chuyển đổi số Việt Nam diễn ra tại Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cũng cho biết, nhiều dự báo cho rằng, 5-10 năm tới là giai đoạn rất quan trọng của quá trình chuyển đổi số. Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cũng dự báo đến năm 2022, kinh tế số sẽ chiếm 60% GDP của thế giới.

Ở khu vực ASEAN, mặc dù kinh tế số mới chỉ chiếm 7% GDP của cả khu vực, song được dự báo sẽ đóng góp thêm một ngàn tỉ đô la Mỹ cho kinh tế thế giới trong thập kỷ tới.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, để chuyển đổi số thành công, thách thức lớn nhất đó là phải thay đổi thói quen. Thói quen đó có thay đổi được hay không phụ thuộc rất lớn vào chất lượng nguồn nhân lực, và vào cả quyết tâm của lãnh đạo các doanh nghiệp.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...