Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn:"Chúng tôi hiểu và lo thoát cơn khủng hoảng kế tiếp"

"Cổ phiếu NVL có thể lên xuống do bị tác động của thị trường nhưng về căn bản phải dựa trên cốt lõi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp", ông Bùi Thành Nhơn đánh giá.
Chủ tịch Novaland Bùi Thành Nhơn:"Chúng tôi hiểu và lo thoát cơn khủng hoảng kế tiếp"

Ông Bùi Thành Nhơn (bên phải):"Novaland đi ra từ tâm bão, hơn ai hết chúng tôi rất thấu hiểu và lo tập trung để làm thế nào thoát khỏi cơn khủng hoảng của chu kỳ kế tiếp!

Ngày 28/12/2016 Novaland đã chính thức niêm yết, trở thành doanh nghiệp BĐS có vốn hóa lớn thứ 2 trên sàn chứng khoán. Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Novaland đồng thời trở thành người giàu thứ 4 trên TTCK.

Phiên giao dịch đầu tiên hôm 28/12/2016, cổ phiếu NVL tăng kịch trần 20% lên 60.000 đồng/cp và ổn định đến hết 31/12/2016. Việc niêm yết được đánh giá thành công như vậy là do đâu, thưa ông? Và giá này đã phản ánh đúng giá trị của cổ phiếu Novaland chưa?

Thật ra Tập đoàn Novaland đã chuẩn bị và sẵn sàng niêm yết từ năm 2008, nhưng do thị trường chứng khoán rơi vào suy thoái nên việc niêm yết đã tạm hoãn. Việc niêm yết thành công ngày hôm nay là do chúng tôi nỗ lực và chuẩn bị kỹ lưỡng. Nguyên tắc của chúng tôi là mọi hoạt động phải dựa trên sự chân thật để phát triển bền vững. Nhân sự được huấn thị không chạy theo lợi ích ngắn hạn trước mắt.

Khởi đầu bằng dự án Sunrise City với quy mô lớn, vốn đầu tư lên đến 500 triệu USD ngay tại thời điểm khủng hoảng toàn cầu; may mắn là chúng tôi đã quyết định đúng: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện đúng cam kết với khách hàng. Đổi lại, chúng tôi phải chịu lãi suất cao, đối mặt với nguy cơ sản phẩm không có người mua. Vượt qua khó khăn và biến thành cơ hội, chúng tôi đã tạo dựng được uy tín và có thêm nguồn vốn để tiếp tục hợp tác phát triển thêm nhiều dự án khác.

Novaland xuất phát từ nhà sản xuất nên luôn lên kế hoạch rất chặt chẽ và thực tế. Trong lịch sử hoạt động, chúng tôi luôn hoàn thành kế hoạch. Uy tín tín dụng năm 2009 được Ngân hàng Nhà nước đánh giá AAA.

Trên thực tế, giá trị cổ phiếu niêm yết lần đầu của Novaland có thể đạt được mức 65.000 đồng/cp và chúng tôi hoàn toàn có thể bán hết số cổ phiếu chào bán với giá 56.000 đồng/cp vì đã có đủ nhà đầu tư đăng ký mua.

Tuy nhiên, vì GIC (Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore) đăng ký mua với giá 50.000 đồng/cp (do mua số lượng lớn và sẽ đóng góp cho sự phát triển của Công ty nên đưa mức giá chiết khấu với giá thị trường) nên chúng tôi đã đồng ý bán với giá 50.000 đồng/cp để có được cổ đông danh tiếng đi đường dài. Quyết định này cũng phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của chúng tôi khi mà nhà đầu tư đều có lợi nhuận, Novaland không bị áp lực về giá và xu hướng giá cổ phiếu NVL sẽ đi lên.

Dựa trên cơ sở nào ông nghĩ rằng cổ phiếu của Novaland sẽ đi lên và bền vững?

Thật ra Novaland chỉ muốn tập trung vào chuyên môn. Chúng tôi không muốn bị phân tâm về giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Mọi việc đều phải phản ánh đúng giá trị thực của nó. Cổ phiếu NVL có thể lên xuống do bị tác động của thị trường nhưng về căn bản phải dựa trên cốt lõi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Từ nay đến hết 2020, hoạt động kinh doanh của Novaland sẽ ổn định và đạt kế hoạch đề ra vì kế hoạch lợi nhuận của năm 2017 và 2018 sẽ dựa vào những dự án đã bán trong năm 2014, 2015 và 2016. Novaland đã có quỹ đất dự trữ hơn 10 triệu m2 sàn xây dựng, đủ để NVL phát triển trong vòng 5 năm tới.

Nếu thị trường xấu đi hoặc chu kỳ khủng hoảng hình Sin tái diễn, liệu Novaland có bị tác động?

Ai trong ngành Bất động sản (BĐS) cũng đều biết đến chu kỳ khủng hoảng này. Điều quan trọng là công việc quản trị rủi ro và việc triển khai có quyết liệt và tương xứng hay không. Novaland vượt qua được cuộc khủng khoảng 2009-2015 cũng nhờ vào việc quản trị rủi ro tốt. Ngay trước thời điểm dòng tiền bị xiết chặt, chúng tôi đã phát hành trái phiếu 1.900 tỷ tiền mặt để có tiền phát triển dự án Sunrise City. Việc lên sàn chứng khoán cũng là một trong những điểm trong quản trị rủi ro.

Củng cố dòng tiền mạnh, cơ cấu lại sản phẩm phù hợp, chia lại mảng đầu tư, củng cố đội ngũ nhân sự, áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao quản trị, minh bạch… và rất nhiều biện pháp phòng vệ khác.

Các công ty BĐS thường vay nợ rất lớn, vậy Novaland thì sao? Nó ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển bền vững của Novaland?

Tôi nghĩ việc vay nợ để phát triển dự án là một việc làm rất bình thường và phổ biến đối với các tập đoàn phát triển BĐS trên thế giới. Luật pháp của chúng ta cũng quy định vốn đối ứng từ 15% - 20% và tỷ lệ vay vốn phải tương xứng với nguồn vốn tự có.

Đối với Novaland, do phát hành trái phiếu với Credit Suisse, tỷ lệ vay không được vượt quá 60% tổng tài sản và đi kèm nhiều ràng buộc khác. Đây cũng là chuẩn mực trong quản trị rủi ro của chúng tôi. Mỗi một dự án chúng tôi thành lập công ty con riêng có vốn đối ứng theo quy định của pháp luật và vay nợ riêng, như một “khoang tàu” riêng biệt.

Dòng tiền của các dự án này sẽ được ngân hàng cho vay và quản lý chặt chẽ cho đến khi quyết toán dự án. Tôi cũng rất thích có sự tiếp sức quản lý của ngân hàng! Như vậy việc vay nhiều hay ít không quan trọng, nếu dự án nhiều sẽ phải vay nhiều. Điều quan trọng là các dự án phải tách bạch, hiệu quả khả thi và thanh khoản.

Ngoài Novaland Group, ông còn là Chủ tịch của Nova Group, Anova Corp, Nova Leadership Center… ở nhiều lĩnh vực, đầu tư dàn trải liệu có “quá sức” so với năng lực quản trị, tài chính của Novaland?

Ông bà ta thường nói: “Không bỏ hết trứng vào một giỏ”. Tập đoàn đa ngành không hẳn là xấu nếu đầu tư đúng, bởi dòng tiền đến từ nhiều “giỏ” sẽ hỗ trợ chúng ta rất nhiều khi cơn khủng hoảng ập đến. Điều quan trọng khi đầu tư chúng ta phải có chiến lược rõ ràng và kiên định với mục tiêu. Kế hoạch phải cụ thể bằng những con số rất thực tế trên Báo cáo Tài chính và phải kiểm soát được.

Đối với Novaland, mỗi mảng đầu tư là một khoang tàu. Mỗi khoang phải riêng biệt, nếu thủng khoang này sẽ không làm ảnh hưởng đến khoang khác, không làm chìm tàu. Trong Group của chúng tôi đều tuyệt đối độc lập về tài chính và con người.

Cách chúng tôi làm là đặt ra mục tiêu rồi cân đối nguồn lực và hoạch định chiến lược từng bước đi đến mục tiêu. Khi bỏ tiền vào một mảng kinh doanh mới, chúng tôi coi đó là khởi nghiệp. Chúng tôi sẽ tìm nguồn vốn đầu tư riêng để bỏ vào và nếu mất đi sẽ không làm ảnh hưởng đến các công ty còn lại. Nếu không có nguồn tiền, không an toàn, ngân hàng không cho vay chứng tỏ dự án xấu thì chúng tôi sẽ không tiến hành.

Thị trường 2017 dự báo sẽ cạnh tranh gay gắt, có rất nhiều đối thủ rất mạnh trong và ngoài nước. Novaland chuẩn bị đối phó thế nào trong giai đoạn hội nhập? Kế hoạch của Novaland sau khi niêm yết? Và vị thế của Novaland trong 10 năm tới?

Tôi chơi Golf từ năm 1997 và tôi rất thích môn này vì nó không có tính đối kháng! Mỗi người đều phải tự thắng chính mình. Đối với Novaland, đối thủ cạnh tranh chỉ là những thông tin khi triển khai kế hoạch. Nội lực mới là điểm quan trọng. Phải chuẩn bị nguồn lực về tài chính, cải thiện dòng tiền, nâng cao đội ngũ quản trị chuyên nghiệp, xây dựng hệ thống, quy trình, quản trị rủi ro…. Đó mới là điểm cốt lõi.

Novaland niêm yết để có nguồn vốn phát triển lành mạnh. Chiến lược phát triển của Novaland gồm 3 giai đoạn rất rõ ràng: Giai đoạn 1 (2007-2015), tập trung phát triển 5.000 sản phẩm nhà ở cung cấp cho thị trường. Giai đoạn 2 (2016-2025), vẫn dựa trên cốt lõi về sản phẩm nhà ở, Novaland phát triển thêm sản phẩm thương mại và nghỉ dưỡng để có dòng tiền ổn định hàng ngày. Giai đoạn 3 (sau năm 2025), Novaland sẽ mở rộng địa bàn và tập trung phát triển những khu đô thị thông minh, nhiều tiện ích và kết nối hạ tầng hiện đại.

Novaland đang tiến hành thương lượng hợp tác với đối tác để phát triển dự án nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng. Đây là dự án được thiết kế bởi nhà thiết kế rất nổi tiếng Moshe Safdie – người thiết kế công trình Marina Bay Sands của Singapore.

Khi hoàn thành, dự án này sẽ là điểm nhấn của Thành phố Đà Nẵng vì nó đủ điều kiện về quy mô, đạt chuẩn quốc tế, góp phần vào sự phát triển của Thành phố Đà Nẵng. Đây sẽ là dự án nổi bật trong chiến lược phát triển sang giai đoạn 2 của Novaland.

Với lợi thế sân nhà và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Novaland đã sẵn sàng cho giai đoạn hội nhập. Từng bước, Novaland sẽ là một Tập đoàn BĐS có vị thế cao, phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Theo Gia Bảo/Trí thức trẻ

>> Đại gia Novaland “ôm” khối nợ khủng hơn 1 tỷ USD 

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...