Samsung là khách thuê lớn tại Khu công nghiệp Yên Phong do Viglacera đầu tư
Theo đó, tổng vốn huy động dự kiến 1.476 tỷ đồng sẽ được VGC sử dụng đầu tư cho các dự án bao gồm dự án nhà máy sứ Viglacera Mỹ Xuân, dây chuyền sản xuất Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Đồng Văn IV giai đoạn 2 và khu công nghiệp Yên Phong mở rộng. Còn lại bổ sung vốn lưu động cho công ty.
Vụ "bê bối" tại Samsung ảnh hưởng không đáng kể
Liên quan thắc mắc của nhà đầu tư liên quan đến "bê bối" tại Samsung (Hàn Quốc) ảnh hưởng thế nào đến việc đầu tư tại Việt Nam nói chung và Khu công nghiệp Yên Phong nói riêng, ông Luyện Công Minh, Chủ tịch HĐQT VGC cho biết, ảnh hưởng là có nhưng không đáng kể bởi ngoài Samsung, VGC cũng đang hợp tác với nhiều đối tác, được xem là "vệ tinh" của Samsung. Những đối tác này có mong muốn lựa chọn vị trí gần với Samsung nhất để tiện cho việc cung ứng sản phẩm cũng như hạn chế chi phí vận chuyển.
Cụ thể, dự kiến cuối tháng 7 này, Samsung Display sẽ ký ghi nhớ hợp tác với VGC và đặt cọc 10% tổng giá trị thuê 62 ha đất tại khu công nghiệp Yên Phong, đồng thời cũng lập kế hoạch về tiến độ bàn giao mặt bằng.
Một đối tác khác là Samsung Pin, cũng đang trong quá trình đàm phán thuê 40 ha đất tại Yên Phong và trong cuộc gặp gỡ gần đây nhất họ vẫn khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với VGC tại Khu công nghiệp này.
"Hiện nay, có tổng cộng 14 nhà đầu tư đang thuê đất tại Khu công nghiệp Yên Phong trong đó có 7 nhà đầu tư đều là "vệ tinh" của Samsung", ông Minh cho hay.
Ông Luyện Công Minh, Chủ tịch HĐQT VGC trao đổi cùng nhà đầu tư
Hiện nay, mức biên lợi nhuận của VGC ở lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp 15%-18%.
Theo ông Nguyễn Thế Trinh, Giám đốc phụ trách lĩnh vực bất động sản, đây là mức biên tương đối. Nhiều doanh nghiệp có mức biên 20-30% là khá cao và cần có sự đánh giá về cách hạch toán các chi phí đối với dự án.
Giai đoạn đầu, để thu hút khách hàng công ty sẽ phải chiết khấu cho khách hàng vì vậy mức biên có thể bị ảnh hưởng, nhưng giai đoạn tới mức biên lợi nhuận sẽ được cải thiện nếu nhu cầu tăng lên.
Sẽ xuất khẩu 100% kính nổi siêu trắng
Còn với dự án kính nổi siêu trắng tại Bà Rịa-Vũng Tàu, nhà đầu tư quan ngại tại Việt Nam hiện nay chưa phổ biến việc sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời, công ty giải quyết đầu ra như thế nào.
Theo ông Minh, đây là dự án VGC đã nghiên cứu trên 3 năm và nhận thấy đây là thời gian chín muồi để triển khai (dự kiến trong tháng 6/2017).
Giai đoạn 1, công ty sẽ sản xuất phôi dùng cho các tâm pin năng lượng mặt trời, theo đó hiện nay, hầu hết các nhà sản xuất phôi không sản xuất phôi mà mua ngoài.
Mục tiêu của VGC đối với dự án này là xuất khẩu 100%. Hiện VGC đang hợp tác với 2 đối tác (1 trong nước và 1 ngoài nước) để thành lập liên doanh trong đó đối tác nước ngoài đã cam kết bao tiêu 100% sản phẩm.
Trong trường hợp xấu nhất, nếu dự án kính siêu trắng không đạt hiệu quả mong muốn, công ty có thể sẽ đổi sang sản xuất kính nổi xây dựng.
Theo ông Minh, thị trường kính xây dựng trong nước đang phát triển rất tốt và kính xây dựng hiện vẫn đang là sản phẩm có tỷ suất sinh lợi cao nhất trong các sản phẩm vật liệu của VGC.
Theo đại diện VGC, hiện thị phần vật liệu xây dựng của công ty trên thị trường chưa lớn, chiếm 3% doanh thu. Việc đầu tư sản phẩm gạch ốp lát, đang đầu tư mới nhà máy Mỹ Đức (mua và cải tạo) và nhà máy Mỹ Xuân Vũng Tàu cùng với việc hợp tác với các đối tác nước ngoài bao gồm hỗ trợ về mặt công nghệ sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho VGC trong thời gian tới.
Theo đó, VGC xác định thị trường trong nước vẫn là thị trường trọng điểm, từng bước vươn ra thị trường xuất khẩu, mục tiêu dành 50% phục vụ cho xuất khẩu
Theo đại diện đơn vị tư vấn, dự kiến ngày 29/5 tới đây, Công ty sẽ thực hiện chào bán theo phương thức đấu giá thông qua Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Giá khởi điểm 12.300 đồng/cổ phiếu. Dự kiến, sau khi chào bán thành công, VGC tăng vốn điều lệ từ 3.070 tỷ đồng lên 4.270 tỷ đồng.
Theo VGC, việc phát hành chứng khoán rộng rãi ra công chúng nhằm giảm tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước xuống còn 56,67%, tiến tới giảm xuống dưới 51% sau năm 2019 theo đúng lộ trình đã được phê duyệt.
Cổ phần hóa từ năm 2010, VGC hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng với các mặt hàng chủ lực như: kính xây dựng, gạch ốp lát, gạch ngói đất sét nung,… Bên cạnh đó, công ty cũng tham gia lĩnh vực bất động sản với danh mục 24 dự án trong đó có 10 dự án Khu công nghiệp, còn lại là cá dự án khu đô thị và nhà ở phức hợp. Ngoài ra, VGC cũng tham gia vào lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài, với dự án liên doanh đầu tư sản xuất sữ vệ sinh, gạch ốp lát và đầu tư khách sạn, khu công nghiệp tại Đặc khu Phát triển Mariel tại Cuba.
Theo Ngọc Nhi/ĐTCK
>> Phó chủ tịch bị bắt, Samsung tạm đình chỉ mọi hoạt động đầu tư mới