Chú trọng giải quyết các điểm nghẽn tồn tại trong quản lý sử dụng đất

Theo chuyên gia, Luật Đất đai cần đưa ra các chính sách tài chính đất đai phù hợp, trên nguyên tắc không lãng phí nguồn vốn đất đai, quản lý tốt đất đai thuộc tài sản công, khuyến khích việc sử dụng đất đai thuộc tài sản tư.
Luật Đất đai cần đưa ra các chính sách tài chính đất đai phù hợp. (Ảnh: Int)
Luật Đất đai cần đưa ra các chính sách tài chính đất đai phù hợp. (Ảnh: Int)

Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia “Tiếp tục đổi mới chính sách đất đai theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” mới đây, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang cho biết, Điều 54 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã khẳng định: “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật”.

Kể từ năm 1987 tới nay, Luật Đất đai được ban hành và sửa đổi 4 lần. Tuy nhiên, những lần sửa đổi đó vẫn chưa triệt để, chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Chính sách, pháp luật đất đai được sửa đổi, bổ sung vẫn chưa thật sự đáp ứng được sự kỳ vọng của xã hội. Thực tế cho thấy, bên cạnh kết quả tích cực đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ nhiều bất cập.

Nguồn lực về đất đai vẫn chưa được khai thác và phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Quá trình thực thi chính sách, pháp luật về đất đai đã bộc lộ nhiều “kẽ hở”, tạo môi trường, điều kiện cho “nhóm lợi ích” tiêu cực trục lợi, tham nhũng.

Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, để khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai thông qua vốn hóa đất đai, Luật Đất đai cần đưa ra các chính sách tài chính đất đai phù hợp, trên nguyên tắc không lãng phí nguồn vốn đất đai, quản lý tốt đất đai thuộc tài sản công, khuyến khích việc sử dụng đất đai thuộc tài sản tư, từ đó tạo ra các cơ chế phù hợp để tăng nguồn thu từ đất.  

Về vấn đề đấu giá quyền sử dụng đất ở Việt Nam, qua trường hợp đấu giá đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng, đấu giá đất phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh, được áp dụng trong tất cả trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất mà không có ngoại lệ. Đấu giá đất phải đảm bảo quyền và lợi ích cho cả 3 bên là Nhà nước (người bán), doanh nghiệp/người dân (người mua) và thị trường/xã hội trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế đấu giá đất, cả căn cứ pháp lý, cơ chế chính sách lẫn quy trình, thủ tục cũng như bộ máy tổ chức và nhân sự có liên quan.

Về thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất ở Việt Nam, Tiến sĩ Đinh Xuân Nghiêm, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, thị trường quyền sử dụng đất là một trong những thị trường có vai trò và vị trí quan trọng đối với nền kinh tế, có quan hệ trực tiếp với các thị trường bất động sản, thị trường tài chính tiền tệ... Tuy nhiên, thể chế hình thành và phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp còn hạn chế, hoạt động trầm lắng, thiếu ổn định, tồn tại nhiều giao dịch phi chính thức không được quản lý và ở một số nơi có hiện tượng đẩy giá đất tăng đột biến trong thời gian ngắn.

“Để thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất, đồng thời phát huy giá trị gia tăng của nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp nhằm vận hành thị trường đất đai một cách công khai, minh bạch và hiệu quả nhất. Hơn nữa, cần đặc biệt chú trọng giải quyết các điểm nghẽn tồn tại trong quản lý sử dụng đất hiện nay, trong giao đất, cho thuê đất; xác định giá đất, thu hồi đất...”, TS. Nghiêm nhấn mạnh.  

Có thể bạn quan tâm