Chưa đầy 5 phút có thêm một doanh nghiệp mới thành lập

Chủ tịch VCCI đánh giá, năm 2016 sẽ đi vào lịch sử kinh tế Việt Nam như là năm đầu tiên xác lập kỷ lục thành lập mới vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp.
Chưa đầy 5 phút có thêm một doanh nghiệp mới thành lập

“Giật mình” với những con số

Phát biểu tại phiên thảo luận hội trường Quốc hội ngày 2/10, đại biểu Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - dẫn báo cáo Tổng cục Thống kê cho biết, 10 tháng đầu năm, cả nước có hơn 91.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. 

“Tính ra trung bình, cứ chưa đầy 5 phút, ở Việt Nam lại có thêm 1 doanh nghiệp mới ra đời. Với đà này, năm 2016 sẽ đi vào lịch sử kinh tế nước nhà là năm đầu tiên số lượng doanh nghiệp thành lập mới có thể vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp”, ông Lộc nhận định.

Bằng việc "hăng hái hơn trong việc thành lập doanh nghiệp", đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) cho rằng, điều này phản ánh "người dân đã bỏ phiếu cho Chính phủ". Niềm tin vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy. Đó là dấu ấn quan trọng nhất của Chính phủ mới trong những ngày tháng đầu tiên.

Theo Chủ tịch VCCI, mặc dù niềm tin đã được khơi dậy và không khí khởi nghiệp quốc gia đã bắt đầu, nhưng nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức to lớn.

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng) nhận định, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có những bước cải thiện năng lực cạnh tranh được nâng lên, được các tổ chức quốc tế có ý kiến ghi nhận, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, tạo cho doanh nghiệp nhiều kỳ vọng với một bước ngoặt thật sự cải thiện môi trường kinh doanh và mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển của doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, theo ông Sơn, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận: Môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản, các thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn còn rườm rà phức tạp, sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu.

Theo Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong thời hạn 9 tháng năm 2016 lên tới 16.294 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là 28.803 doanh nghiệp. Số doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục để giải thể trong 9 tháng đầu năm nay là 8.365 doanh nghiệp.

Bất cập trong cổ phần hóa

Tham gia thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng Nhà nước cần đẩy mạnh cổ phần hoá, hạn chế can thiệp hành chính vào nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh để mục tiêu một triệu doanh nghiệp sớm thành hiện thực.

Đề cập đến cổ phần hoá, đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) cho rằng, việc số lượng doanh nghiệp được cổ phần hóa lớn, nhưng tỷ lệ vốn bán ra đạt thấp là biểu hiện của tiêu cực, thất thoát. "Người dân rất đồng tình, ủng hộ khi Thủ tướng khẳng định Chính phủ tiết kiệm từng đồng thuế của dân. Vậy cả tỷ tỷ đồng thất thoát trong quá trình cổ phần hóa sẽ được xem xét giải quyết như thế nào?", ông Học nêu ý kiến.

Đại biểu này đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra làm rõ để xử lý sai phạm, thu hồi tiền của nhân dân bị thất thoát.

Theo đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (đoàn Ninh Thuận), thông thường thoái vốn nhà nước tại địa phương do sở Tài chính chủ trì, quyết định doanh nghiệp nào được định giá, định giá ra sao. Ví dụ xác định giá trị còn lại của doanh nghiệp là 100 tỷ, nhưng Sở “phán” chỉ 70 tỷ đồng thì doanh nghiệp phải điều chỉnh theo. 

“Vậy khoản vênh giữa giá trị thật và điều chỉnh thì ai hưởng? Chủ trương đúng nhưng trục lợi không nhỏ, Nhà nước mất nhiều vốn qua cổ phần hoá, chỉ cần thanh tra một số doanh nghiệp vừa cổ phần là rõ”, đại biểu Cương nêu ý kiến.

Theo VOV NEWS

Có thể bạn quan tâm