Chuẩn bị đầu tư cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh giai đoạn 1

Tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh dài 26 km, bề rộng đường nền đường 17 m với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 4.770 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Hàn Quốc là hơn 3.677 tỷ đồng; vốn đối ứng hơn 1.093 tỷ đồng.
Chuẩn bị đầu tư cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh giai đoạn 1

Bộ Giao thông vận tải vừa có quyết định giao chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận bước báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1.

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận có trách nhiệm triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án theo quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng và tiến độ yêu cầu; đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Keximbank), các cơ quan liên quan trong việc quản lý và sử dụng vốn vay ODA theo quy định.

Trước đó, vào cuối tháng 12/2021, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1 sẽ sử dụng vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc.

Dự án sẽ xây dựng với chiều dài 26km, quy mô cao tốc 4 làn xe hạn chế, bề rộng đường nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Dự kiến tổng vốn thực hiện dự án khoảng hơn 4.770 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc là hơn 3.677 tỷ đồng; vốn đối ứng dự kiến khoảng hơn 1.093 tỷ đồng.

Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh nằm trên trục đường cao tốc Bắc - Nam Phía Tây từ Bình Phước đến Cà Mau. Dự án khi hoàn thành sẽ kết hợp với các đoạn tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, nối thông đường từ Đồng Tháp về Kiên Giang.

Hiện, trục đường này đi qua 2 thị trấn là Mỹ An (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) và Mỹ Thọ (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) với dân cư đông đúc, làm tăng thời gian di chuyển. Do đó, việc đầu tư tuyến Mỹ An - Cao Lãnh sẽ giúp tháo gỡ điểm nghẽn giao thông, kết nối thông suốt toàn tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Cà Mau cũng như cao tốc Chơn Thành - Rạch Giá.

Có thể bạn quan tâm