Chứng khoán Maybank: Ngân hàng Nhà nước có thể tăng lãi suất điều hành trong tháng 6 để bình ổn tỷ giá

Công ty Chứng khoán Maybank đã đưa ra dự báo trong tháng 6 này, Ngân hàng Nhà nước có thể tăng lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản nhằm bình ổn tỷ giá...

Chứng khoán Maybank: Ngân hàng Nhà nước có thể tăng lãi suất điều hành trong tháng 6 để bình ổn tỷ giá

Theo khảo sát ngày 6/6, giá USD bán ra tại các ngân hàng thương mại trong nước đang ghi nhận ở mức 25.453 USD/VND. Trong đó, hai ngân hàng quốc doanh là BIDV và Vietcombank đều niêm yết giá USD ở mức 25.213-25.453 đồng, không thay đổi so với hôm qua. Tương tự, VietinBank cũng giữ nguyên mức 25.216-25.453 USD/VND.

Về phía các ngân hàng tư nhân, Techcombank đang ấn định giá USD là 25.264-25.453 USD/VND, còn ngân hàng ACB là 25.250-25.453 USD/VND.

Trên thị trường “chợ đen” giá USD phổ biến ở mức 25.600 – 25.700 USD/VND, đã hạ nhiệt đáng kể so với hồi đầu tuần. Trước đó, giá USD trên thị trường phi chính thức có lúc tiệm cận ngưỡng 26.000 USD/VND.

Trên thị trường quốc tế, chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt giảm xuống sát mốc 104 điểm, giảm 2% so với đỉnh cuối tháng 4.

Trong báo cáo vừa công bố, Công ty Chứng khoán Maybank đã đưa ra dự báo trong tháng 6 này, Ngân hàng Nhà nước có thể tăng lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản nhằm bình ổn tỷ giá.

Nhóm chuyên gia này cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ áp dụng cách tiếp cận chờ đợi và quan sát, trước tiên đánh giá lại hiệu quả của việc tăng lãi suất và bán USD có thực sự giảm bớt áp lực tỷ giá, trước khi quyết định hành động. Việc nâng lãi suất điều hành cũng sẽ đẩy lãi suất cho vay lên với độ trễ nhất định và có thể ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước.

Tuy nhiên, vẫn còn lựa chọn khác là để đồng VND giảm giá hơn nữa, có thể đẩy lạm phát cao hơn mức mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước, ảnh hưởng đến sức mua của hộ gia đình và chi phí doanh nghiệp.

Củng cố thêm về dự báo này, các chuyên gia của Maybank đánh giá rằng tăng lãi suất điều hành là biện pháp cuối cùng khi áp lực lên VND và dự trữ ngoại hối trở nên căng thẳng. Cập nhật đến ngày 4/6, đồng VND đã mất giá khoảng 4,7% - là đồng tiền có kết quả kém thứ hai trong khối ASEAN.

Maybank phân tích yếu tố chủ chốt là sự chênh lệch lãi suất so với Mỹ. Năm ngoái Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất điều hành 1,25 điểm phần trăm để giảm lãi suất cho vay trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, ngay cả khi Fed tiếp tục thắt chặt.

Lãi suất liên ngân hàng đã giảm do tăng trưởng tín dụng chậm và thanh khoản cao, khiến Ngân hàng Nhà nước phải nâng lãi suất thông qua thị trường mở (OMO) trong vài tháng qua. Ngân hàng Nhà nước đã nâng lãi suất OMO lần thứ hai lên 4,5% từ mức 4,25%, nhằm đẩy lãi suất liên ngân hàng lên cao hơn nữa.

Trong một tọa đàm được tổ chức mới đây, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup thông tin Ngân hàng Nhà nước đã bán ra 4,5 - 5tỷ USD dự trữ ngoại hối để bảo vệ VND. Tuy nhiên, áp lực tỷ giá vẫn đè nặng.

Không giống như các đồng tiền tệ ở các nước khác trong khu vực ASEAN, áp lực lên VND vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ngay cả khi chỉ số USD-Index (DXY) giảm hơn sau số liệu CPI suy giảm. Hơn nữa, vẫn còn nhiều bất định về thời điểm và mức độ cắt giảm lãi suất của Mỹ, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn vững chắc.

Các chuyên viên Maybank cũng nói thêm, giống với những ngân hàng trung ương khác, Ngân hàng Nhà nước lo ngại việc VND mất giá không kiểm soát sẽ đẩy lạm phát lên cao. Lạm phát trong tháng 4 đã lên 4,4%, ngay sát mục tiêu 4,5%.

Maybank cho rằng VND có thể tiếp tục mất giá nếu không được kiểm soát chặt chẽ, do ngày càng nhiều người dân trong nước chuyển đổi tiền sang USD để phòng ngừa rủi ro. Ngoài ra, đồng nội tệ mất giá cũng đẩy cao chi phí sản xuất cho các nhà đầu tư FDI, đa số phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.

Báo cáo nhận định Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng mức trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn (dưới 6 tháng) như là công cụ chính sách chính để nâng lãi suất tiền gửi trên thị trường. Vì tiền gửi là nguồn vốn chính của các ngân hàng, nên việc lãi suất tiền gửi cao hơn sẽ được chuyển sang làm tăng lãi suất cho vay, nhưng với độ trễ khoảng 3 đến 6 tháng.

Tuy nhiên, để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh lãi suất điều hành tăng, lãi suất cho vay có thể được giữ ở mức thấp thông qua các lãi suất ưu đãi cho các ngành ưu tiên (chẳng hạn như ngành bất động sản).

Các biện pháp tài khóa, bao gồm hoãn thuế và gia hạn giảm 2 điểm phần trăm thuế VAT đến tháng 12 (so với tháng 6 trước đó) cũng có thể được sử dụng để giảm bớt tác động từ lãi suất tăng.

Xem thêm

Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 700 triệu USD dự trữ ngoại hối, tỷ giá có thể "hạ sốt" trong quý 2?

Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 700 triệu USD dự trữ ngoại hối, tỷ giá có thể "hạ sốt" trong quý 2?

Tỷ giá USD trên thị trường tự do và thị trường ngân hàng đã có tín hiệu hạ nhiệt sau động thái bán USD giao ngay của Ngân hàng Nhà nước. Bộ phận phân tích dữ liệu của WiGroup cho rằng, tỷ giá USD trong nước tăng mạnh chỉ là vấn đề lo ngại tạm thời và dự kiến sẽ hạ nhiệt trong quý 2...

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...