Thị trường chứng khoán Mỹ trở nên khá "bất ổn" vào hôm qua sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell, tại một diễn đàn của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cho biết Fed có thể thực hiện thêm nhiều đợt tăng lãi suất do lạm phát chưa giảm xuống mức mục tiêu.
Điều đáng ngạc nhiên là các chuyên gia lần này tỏ ra khá đồng tình với chủ tịch Fed, đặc biệt sau những dữ liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn có khả năng chống chọi với những đợt tăng lãi suất nữa.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 28/6, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 74,08 điểm (-0,22%) còn 33.852,66 điểm; chỉ số S&P 500 mất 1,55 điểm (-0,04%) còn 4.376,86 điểm và Nasdaq tăng 36,08 điểm (+0,27%) lên mức 13.591,75 điểm.
4 trên 11 lĩnh vực chính của S&P 500 tăng điểm, với lĩnh vực năng lượng tăng 1% trong khi dịch vụ truyền thông tăng 0,8%. Các lĩnh vực giảm điểm hàng đầu là các tiện ích phòng thủ, mất 1,5%.
Chỉ số ngân hàng S&P giảm 0,5% trước kết quả kiểm tra căng thẳng hàng năm của Fed sau khi thị trường đóng cửa vào 28/6. Bài kiểm tra giúp xác định số vốn mà các ngân hàng cần dự trữ và số tiền họ có để mua lại cổ phiếu và chia cổ tức.
Chỉ số chứng khoán vốn hóa nhỏ Russell 2000 tăng thêm 0,5% trong ngày tăng thứ 3 liên tiếp, giữa một thị trường phụ thuộc nhiều vào các cổ phiếu vốn hóa lớn.
Cổ phiếu Apple đạt mức cao nhất mọi thời đại (189,9 USD) trong phiên 28/6 và ghi nhận mức đóng cửa cao kỷ lục trong phiên thứ 2 liên tiếp. Ngoài ra, Tesla tăng 2,41%, Microsoft tăng 0,38% và Alphabet tăng 1,56% và là những cổ phiếu tạo đà tăng cho Nasdaq Composite.
Netflix là một trong những cổ phiếu tăng mạnh nhất của chỉ số S&P 500, tăng 3% sau khi Oppenheimer nâng mục tiêu giá.
Tuy nhiên, cổ phiếu của nhà sản xuất chip Nvidia giảm 1,8% và là lực cản hàng đầu của chỉ số S&P 500 sau khi Wall Street Journal đưa tin Mỹ có thể áp đặt các hạn chế mới đối với việc xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc.
Cổ phiếu General Mills giảm 5% sau khi nhà sản xuất thực phẩm đóng gói dự báo lợi nhuận cả năm thấp hơn ước tính của các nhà phân tích.
Trên các sàn giao dịch của Mỹ, có 9,89 tỷ cổ phiếu được trao tay so với mức trung bình 11,57 tỷ trong 20 phiên gần đây.
Theo Quincy Krosby, Trưởng chiến lược gia toàn cầu của LPL Financial:"Một nền tảng vững chắc hơn đối với nền kinh tế cho thấy rằng suy thoái vẫn chưa thể xảy ra trong tương lai gần và với khả năng phục hồi của thị trường lao động, nền kinh tế có thể chấp nhận được mức tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm".
Với chỉ số lạm phát vẫn còn ở mức cao, Giám đốc điều hành Phil Blancato của Ladenburg Asset Management cho biết ông Jerome Powell không sai khi thắt chặt chính sách tiền tệ.
Các nhà giao dịch hiện nhận thấy 79,4% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% lên mức 5,25 - 5,5% vào tháng 7 và kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ giữ nguyên lãi suất cho đến cuối năm 2023, theo công cụ Fedwatch của CMEGroup.
Ngoài ra, các nhà đầu tư đang chờ dữ liệu về chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, dữ liệu về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu và số liệu cuối cùng về GDP quý đầu tiên vào cuối tuần này để đánh giá tình trạng của nền kinh tế Mỹ.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent hiện đang tăng 1,77 USD tương đương 2,5% lên 74,03 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 1,86 USD tương đương 2,8% lên 69,56 USD/thùng, điều này làm thu hẹp khoảng cách giá dầu Brent và WTI xuống mức thấp nhất kể từ ngày 9/6/2023.
Giá dầu tăng 3% do tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần thứ 2 liên tiếp thấp hơn so với dự kiến, làm lu mờ lo ngại việc tăng lãi suất hơn nữa có thể khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại và nhu cầu dầu toàn cầu giảm.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm 9,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 23/6/2023, vượt xa so với dự báo giảm 1,8 triệu thùng của các nhà phân tích và cũng cao hơn nhiều so với mức giảm 2,8 triệu thùng 1 năm trước đó. Con số này cũng vượt qua mức giảm trung bình 5 năm từ 2018-2022.
Trong khi đó, các nhà đầu tư vẫn thận trọng rằng việc tăng lãi suất có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu.